Tổ chức Al-Qaeda có mạng lưới khủng bố ở Canada?

Âm mưu làm trật bánh đoàn tàu chở khách nối Toronto với New York là bằng chứng về ảnh hưởng lớn của mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Canada.

Mạng tin cbc.ca dẫn ý kiến của các chuyên gia an ninh cho rằng âm mưu làm trật bánh một đoàn tàu chở khách nối Toronto (Canada) với New York (Mỹ) là bằng chứng về ảnh hưởng lớn của mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Canada.

 

Ông Lorne Dawson, đồng Giám đốc của Mạng lưới nghiên cứu khủng bố, an ninh và xã hội Canada, nói: "Ảnh hưởng của al-Qaeda đang ngày càng lớn và trong trạng thái gián tiếp hơn". Một trong những "thành tựu" của al-Qaeda là truyền cảm hứng cho những tổ chức khủng bố khác và làm "mẫu cho tất cả các nhóm khủng bố khắp thế giới về cách thức tiếp cận và giao tiếp" với các đối tượng sẽ trở thành cực đoan.

 

Một phần ảnh hưởng gián tiếp của al-Qaeda là việc truyền cảm hứng cho những đối tượng "thánh chiến tự chỉ định," tự trao cho mình trách nhiệm tìm kiếm những người muốn thực hiện các vụ tấn công khủng bố và sau đó chuyển những người này cho các đối tượng khủng bố "cộm cán hơn" để huấn luyện thêm.

 

[Canada phá âm mưu tấn công liên quan al-Qaeda]

David Harris, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Insignis, cho rằng âm mưu tấn công tàu hỏa vừa bị Canada ngăn chặn dường như thể hiện điều mà trùm khủng bố Osama bin Laden tuyên bố cách đây vài năm rằng có một số quốc gia mà hắn ta muốn tấn công. Ông Harris nói: "Canada nằm trong tầm ngắm của bin Laden. Canada cũng là một trong những quốc gia duy nhất chưa bị tấn công theo mức độ mà al-Qaeda mong muốn".

 

Ngày 22/4, Cảnh sát kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) đã buộc tội hai đối tượng là Chiheb Esseghaier (30 tuổi, sinh sống tại Montreal) và Raed Jaser (35 tuổi, sinh sống tại Toronto) có âm mưu thực hiện một vụ tấn công khủng bố và âm mưu giết người theo chỉ đạo hoặc hợp tác với một nhóm khủng bố. James Malizia, quan chức cao cấp của RCMP cho biết hai đối tượng trên đã nhận "chỉ thị và hướng dẫn" từ các phần tử al-Qaeda tại Iran.

 

Kể từ khi những chi tiết của âm mưu trên được tiết lộ ngày 22/4, nhiều nhà bình luận đã nêu ra câu hỏi về sự bất thường của việc al-Qaeda, một tổ chức Hồi giáo dòng Sunni do Osama bin Laden thành lập, có sự hiện diện tại Iran, một quốc gia gồm đa số những người Hồi giáo dòng Shi'ite.

 

Tuy nhiên, chuyên gia an ninh Canada Wesley Wark cho biết al-Qaeda không còn là một cấu trúc chỉ huy tập trung, có quyền cho phép và thực hiện các cuộc tấn công tại các nước phương Tây. Ngay từ trước khi bin Laden bị tiêu diệt năm 2011, al-Qaeda đã phân chia thành nhiều phe phái địa phương như al-Qaeda trên bán đảo Arập, tập trung nhiều hơn vào các cuộc nổi dậy tại các quốc gia như Mali hay Yemen.

 

Theo ông Wark, các chi nhánh al-Qaeda đó dường như không nhằm vào Canada mà hoạt động của chúng chủ yếu tập trung vào các môi trường khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Điều thúc đẩy các đối tượng Hồi giáo cực đoan tiềm tàng tại Canada là di sản và cảm hứng từ Osama bin Laden. Điều này đã có ảnh hưởng lớn đến "Toronto 18," nhóm đã tìm cách thành lập một "tế bào" kiểu al-Qaeda tại Toronto và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố tại Canada; hay Mohmin Khawaja, một lập trình viên máy tính được sinh ra tại Canada, nhưng năm 2008 đã bị kết án vì tài trợ và tạo thuận lợi cho các hoạt động khủng bố tại London (Anh).

[Canada tăng cường luật chống khủng bố hiện hành]

 

Dawson, người đã nghiên cứu nhiều trường hợp cực đoan, cho rằng khi không có quy trình tuyển mộ từ trên xuống dưới, những chiến binh thánh chiến tự bổ nhiệm thường trở thành những "kẻ trung gian", đi tìm những người muốn thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

 

Những kẻ trung gian này rất thông thạo việc sử dụng Interner, thường trao đổi trên các diễn đàn mạng. Chúng tiếp xúc với những người trẻ hơn để phát hiện cam kết tấn công của họ có "thật" hay không. Một khi những kẻ trung gian tin rằng người được tuyển mộ là nghiêm túc, họ sẽ dẫn người được tuyển mộ đến cho một đối tượng cấp cao hơn để nhận đào tạo và hướng dẫn.

 

Jabeur Fathally, Giáo sư Luật thuộc trường Đại học Ottawa, cho rằng sự xuất hiện những đối tượng cực đoan tại Canada phần nào là hậu quả của Mùa Xuân Arập, cũng như chính sách nhập cư hào phóng của quốc gia Bắc Mỹ.

 

Sau khi các nhà độc tài bị lật đổ tại một số quốc gia Arập, nhiều đảng Hồi giáo đã lên nắm quyền tại Trung Đông và khuyến khích những công dân của họ học tập, làm việc hoặc kinh doanh tại những quốc gia thân thiện với người nhập cư như Canada. Mặc dù không phải tất cả những người Hồi giáo đến Canada đều cực đoan, nhưng ít nhất một số người đồng cảm với khuynh hướng Hồi giáo cứng rắn hơn.

 

Tuy nhiên, bất chấp những tin tức truyền thông gần đây về các âm mưu khủng bố tại Canada, ông Wark cho rằng những đối tượng cực đoan riêng lẻ không nguy hiểm như al-Qaeda trước đây, một mạng lưới khủng bố có tổ chức, chuyên nghiệp và được đào tạo. Việc phát hiện ra những đối tượng khủng bố riêng lẻ này là một thách thức, nhưng mức độ nguy hiểm từ các đối tượng này thấp hơn nhiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục