Tổ chức giải đấu khép kín: Lối thoát cho ngành thể thao trong mùa dịch

Phương án tổ chức các giải thi đấu quốc gia, tỉnh thành theo mô hình khép kín giúp ngành thể thao duy trì hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng vận động viên đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngành thể thao kịp thời thích nghi, điều chỉnh các hoạt động khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Ngành thể thao kịp thời thích nghi, điều chỉnh các hoạt động khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, ngành thể thao kịp thời thích nghi, điều chỉnh các hoạt động, nhờ đó đạt được một số kết quả nổi bật trong khi vẫn duy trì được phương án phát triển. 

Tuy nhiên, những khó khăn do đại dịch mang lại vẫn còn. Thể thao phong trào, quần chúng, trường học đều giảm về quy mô hoặc bị tạm hoãn. Các địa điểm tập luyện thể dục thể thao công cộng tại nhiều địa phương không được phép hoạt động. 

Trong khi đó, với thể thao thành tích cao, việc điều chỉnh và hủy các giải thể thao quốc gia đã ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của lực lượng vận động viên. Đáng chú ý, nhiều vận động phải phải ngừng tập huấn thời gian dài và trở về địa phương. 

Điều này đòi hỏi ngành thể thao phải nhanh chóng thay đổi, tìm ra giải pháp trong ba tháng cuối năm nay để đảm bảo được mục tiêu đề ra cũng như duy trì được chất lượng chuyên môn đang có phần bị hao hụt. 

Thí điểm tổ chức giải thể thao khép kín 

Nhận thấy tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được khống chế ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ngành thể thao đã nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các giải đấu còn lại trong năm 2021 theo mô hình khép kín. 

Phương án này vừa đảm bảo vừa duy trì hoạt động chuyên môn, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 một cách tối đa nhất có thể. 

Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao, ông Trần Đức Phấn cho biết ngành đang xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thể thao trong 3 tháng cuối năm 2021. Trong đó, ưu tiên tại những địa phương không có dịch hoặc những địa phương ít ca lây nhiễm.

"Chúng tôi đã có những cuộc họp trao đổi và có rất nhiều địa phương ủng hộ với phương án này. Dù việc tổ chức có thể khó khăn hơn nhưng vẫn phải làm và đảm bảo an toàn về mọi mặt, nhất là về phòng, chống dịch bệnh. Trong trường hợp tình hình dịch ổn định hơn nữa, chúng tôi sẽ tổ chức các giải đấu bình thường theo kế hoạch, lộ trình đã định sẵn trong năm 2021," ông Phấn nói. 

Thể thao Việt Nam cần duy trì các giải đấu quốc gia trong ba tháng cuối năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, bà Nguyễn Kim Lan cho biết: "Theo kế hoạch, Vụ đã lựa chọn 3 môn có thể tổ chức thí điểm (Karate, Đua thuyền và Cầu lông) cũng như lên kế hoạch nhằm đảm bảo yêu cầu tiên quyết là an toàn tuyệt đối. Đại diện các bộ môn cũng liên hệ với các địa phương để có ý kiến cụ thể. Địa phương đăng cai giải đấu phải là tỉnh không có dịch ít nhất 3 tháng gần đây, hoặc có dịch nhưng chỉ trong khu cách ly."

Bên cạnh đó, Vụ cũng đã yêu cầu các bộ môn có kế hoạch cụ thể từ việc yêu cầu vận động tiêm vaccine, xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ khi đến địa điểm, kiểm tra trước ngày thi đấu và những ngày tiếp theo đến khi kết thúc.

An toàn y tế đặt lên hàng đầu 

Tuy các giải đấu thể thao tổ chức với mục tiêu chính nhằm tăng chất lượng chuyên môn, đảm bảo sự phát triển của môn thi đấu, vận động viên, song lãnh đạo ngành thể thao khẳng định việc tổ chức phải đặt yếu tố an toàn phòng chống dịch lên hàng đầu. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn, việc tổ chức một số giải thể thao là cần thiết với điều kiện phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài... 

Các bộ môn phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thậm chí phải xuống làm việc tận nơi để nắm rõ địa phương đó có những quy định cách ly y tế như thế nào,... kể cả với địa phương đăng cai, địa phương cử vận động viên đi thi đấu và địa phương có trọng tài làm nhiệm vụ.

Các giải đấu thể thao với mô hình khép kín phải đảm bảo tối đa về công tác phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN) 

Trong việc tổ chức các giải đấu theo hình thức khép kín, mọi khâu được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận tham gia. Ngoài ra, giai đoạn tổ chức cũng được lên phương án cụ thể, các bộ môn phải phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh địa phương để xây dựng được những kịch bản chi tiết cho từng công đoạn như đưa đón vận động viên, di chuyển, bố trí các khu vực tập luyện riêng của từng đội, trao huy chương, họp hội trưởng đoàn...

Nếu thức hiện tốt kế hoạch tổ chức giải đấu thể thao trong mùa dịch, ngành thể thao không chỉ duy trì tốt hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng của thể thao thành tích cao. Đó còn là bước đệm lớn cho SEA Games 31 chính tại Việt Nam vào tháng 5/2022./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục