Tổ chức hệ thống thi hành án dân sự theo 3 cấp

Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự sẽ được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất theo 3 cấp từ Trung ương đến huyện.
Theo Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ vừa được ban hành, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự sẽ được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất theo 3 cấp: Trung ương (Tổng cục Thi hành án dân sự), cấp tỉnh (Cục Thi hành án dân sự tỉnh), cấp huyện (Chi cục Thi hành án dân sự huyện).

Hệ thống tổ chức thi hành án trong quân đội sẽ được tổ chức với Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý thi hành án trực thuộc Bộ Quốc phòng; ở quân khu và tương đương có Phòng Thi hành án quân khu và tương đương.

Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chấp hành viên phòng thi hành án cấp quân khu. Người tham dự thi tuyển chấp hành viên phải đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành và không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật nhưng chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Trường hợp điều động cán bộ, công chức từ cơ quan khác sang cơ quan thi hành án để bổ nhiệm thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan thi hành án, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì có thể được bổ nhiệm làm chấp hành viên trung cấp hoặc cao cấp mà không phải thi tuyển.

Có thể thực hiện việc bổ nhiệm chấp hành viên không qua thi tuyển khi đủ điều kiện: cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, không phải là đơn vị thủ phủ của tỉnh, có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, thuộc vùng sâu, xa, hải đảo; có đơn cam kết tình nguyện công tác tại các vùng này từ 5 năm trở lên.

Thời hạn áp dụng quy định này kề từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 30/6/2014.

Nghị định quy định chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án được cấp thẻ do Bộ Tư pháp cấp để sử dụng trong khi thi hành nhiệm vụ. Khi thôi giữ chức vụ phải trả lại thẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục