Tổ hợp khu hệ vi sinh vật phân hủy rơm rạ tại ruộng

Các nhà khoa học thuộc đã tổ hợp thành công khu hệ vi sinh vật phân hủy được rơm rạ nhanh tại ruộng thành phân bón hữu cơ vi sinh.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, nhóm các nhà khoa học thuộc Công ty cổ phần công nghệ sinh học đã phân lập, phân loại và tổ hợp được khu hệ vi sinh vật có khả năng phân hủy được rơm rạ nhanh ngay tại ruộng thành phân bón hữu cơ vi sinh.

Công nghệ này đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế và đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa quốc gia.

Tiến sỹ Lê Văn Tri - Chủ nhiệm công trình cho biết, công trình đã tạo ra các nguyên liệu gốc gồm men gốc cấp 1, cấp 2, chất mang Bio và nước chiết rơm rạ. Men gốc cấp 1 được sản xuất tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học, sau đó được chuyển xuống các địa phương.

Các Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật của các địa phương sẽ tiếp nhận công nghệ và chủ động sản xuất được chế phẩm xử lý rơm rạ Fito-Biomix RR cung ứng cho địa phương mình và các tỉnh lân cận.

Các nhà khoa học cũng đã sáng tạo trong lắp đặt hệ thống thiết bị và dây chuyền công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR ở quy mô công nghiệp chuyển giao cho các địa phương gồm thùng nhân giống cấp 2, thùng lên men, máy nghiền, thùng chứa sản phẩm và hệ thống đóng gói tự động.

Đây là công nghệ dễ phổ biến và áp dụng vào thực tiễn, sản xuất tại địa phương nên giá thành thấp hơn so với chế phẩm sản xuất tại Công ty từ 50-60 triệu đồng/tấn.

Nhờ khả năng phân hủy nhanh ngay tại ruộng nên đã hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, không gây độc hại đến môi trường không khí, đất, nước; hạn chế lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ hơn 10.700 đến gần 43.000 tấn/năm, tương đương với việc đốt 20-80% lượng rơm rạ sau thu hoạch; đồng thời có thể thu được 350-1.500 triệu USD/năm từ việc mua bán quyền phát thải khí CO2 vào môi trường.

Qua nghiên cứu này, các nhà khoa học đã lần đầu tiên phát hiện ra nhiều vấn đề liên quan như đã chụp được hình ảnh trên kính hiển vi điện tử có độ phóng đại 80.000 lần về sự phát triển và sinh bào tử của một số chủng vi sinh vật phân lập được; sử dụng phương pháp toán học quy hoạch tuyến tính trong nghiên cứu xây dựng thành phần môi trường xốp tối ưu để sản xuất chế phẩm Fito-Biomix xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh.

Trên nguyên lý nuôi cấy môi trường xốp, lần đầu tiên nhóm đã sáng chế ra thiết bị lên men môi trường xốp để thu nhận chế phẩm Fito-Biomix RR./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục