Toà án Ấn Độ phán quyết vụ rò rỉ khí đốt ở Bhopal

25 năm sau ngày xảy ra thảm họa rò rỉ khí đốt tại thành phố Bhopal, Ấn Độ ra phán quyết với các cựu lãnh đạo nhà máy Union Carbide.
Hơn 25 năm sau ngày xảy ra thảm họa rò rỉ khí đốt tại thành phố Bhopal, thủ phủ bang Madhya Pradesh của Ấn Độ, ngày 6/6, tòa án Bhopal đã đưa ra phán quyết đối với các cựu lãnh đạo nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu Union Carbide bị cáo buộc gây ra tai nạn công nghiệp làm hàng nghìn người thiệt mạng.

Sau hai giờ xét xử, tòa kết tội bảy lãnh đạo của nhà máy trên cẩu thả, tắc trách để xảy ra tai nạn, mức án dành cho mỗi bị cáo là hai năm tù giam và phạt 100.000 rupi (2.100 USD).

Trong lịch sử công nghiệp thế giới, thảm họa Bhopal là sự cố rò rỉ khí đốt tồi tệ nhất, để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Tai nạn xảy ra vào sáng ngày 3/12/1984, khí gas thoát ra từ một bể chứa lớn tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của công ty Union Carbide India Limited (UCIL), thuộc tập đoàn Union Carbide của Mỹ, làm hàng nghìn người dân sống quanh khu vực nhà máy thiệt mạng do nhiễm độc. Những nạn nhân nhiễm độc còn sống kể lại rằng khi bị ngạt khí, mắt họ bị đỏ và căng giãn, đồng thời họ bị trào bọt mép và buồn nôn.

Số liệu của Chính phủ Ấn Độ ước tính khoảng 3.500 người thiệt mạng trong ba ngày rò rỉ khí. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê độc lập, số người thiệt mạng trong ba ngày này là từ 8.000-10.000 người, và cho đến năm 1994 có 25.000 người đã chết do hậu quả phơi nhiễm.

Cho đến nay đất và các nguồn nước ngầm tại khu vực xung quanh nhà máy trên vẫn bị nhiễm độc nặng, gây nhiều bệnh tật cho người dân. Ít nhất 100.000 người sống gần nhà máy bị bệnh mãn tính và hơn 30.000 người sống trong các khu vực có nguồn nước bị nhiễm độc.

Năm 1996, một phiên tòa đã được mở và các bị cáo trên bị cáo buộc tội giết người có chủ ý - tội danh có thể lĩnh án tử hình, nhưng Tòa án tối cao Ấn Độ đã giảm tội danh xuống mức tắc trách với khung hình phạt tối đa là hai năm tù.

Tại phiên tòa lần này, các bị cáo đều tuyên bố sẽ kháng án, vì vậy chưa bị bắt giam ngay.

Trong khi đó, Warren Anderson, người giữ chức chủ tịch tập đoàn Union Carbide vào thời điểm xảy ra tai nạn, cũng nằm trong số các bị cáo nhưng không có tên trong phán quyết của tòa và tòa tuyên bố bị cáo này "trốn tránh pháp luật." Từ năm 1993 Ấn Độ đã tìm cách dẫn độ nhân vật này từ Mỹ về Ấn Độ xét xử nhưng không thành công.

Sau khi tòa tuyên án, các nạn nhân, các tổ chức nhân quyền cũng như báo chí Ấn Độ bức xúc cho rằng mức phạt đối với các bị cáo quá nhẹ so với những mất mát mà người dân phải hứng chịu. Nhiều người tập trung bên ngoài tòa án phẫn nộ phản ứng với phán quyết của tòa.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho rằng vụ rò rỉ khí tại Bhopal là một thảm kịch cho đến nay vẫn làm nhức nhối lương tâm mỗi người, ông hứa sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết hậu quả, nhất là về vấn đề xử lý nguồn nước và khử độc cho đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục