Tòa án Australia bác đơn kháng cáo của J&J trong vụ kiện tiếp thị sai

Ngày 5/3, một tòa án liên bang Australia đã bác đơn kháng cáo của Johnson&Johnson (J&J) trong vụ kiện tập thể liên quan đến việc tiếp thị sai sự thật sản phẩm lưới đỡ xương chậu.
Tòa án Australia bác đơn kháng cáo của J&J trong vụ kiện tiếp thị sai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 5/3, một tòa án liên bang Australia đã bác đơn kháng cáo của Johnson&Johnson (J&J) trong vụ kiện tập thể liên quan đến việc tiếp thị sai sự thật sản phẩm lưới đỡ xương chậu. Với phán quyết này, hàng nghìn phụ nữ có thể được nhận bồi thường từ hãng dược của Mỹ này.

Năm 2019, một thẩm phán tòa án liên bang Australia đã ra phán quyết rằng các công ty thuộc Tập đoàn J&J đã hành động một cách khinh suất và có "hành vi lừa dối" khi che giấu mức độ thực sự của các biến chứng do cấy ghép lưới đỡ xương chậu.

Sản phẩm này được thiết kế để hỗ trợ các cơ ở vùng xương chậu đã bị yếu của phụ nữ. Nhiều nạn nhân sau đó phàn nàn về một số tác dụng phụ tai hại như tiểu tiện không tự chủ, nhiễm trùng và các cơn đau mãn tính. Tuy nhiên, J&J đã kháng cáo với lý do phán quyết này có nhiều sai sót pháp lý.

Trong phán quyết mới nhất, hội đồng gồm 3 thẩm phán tại tòa án liên bang đã bác bỏ đơn kháng cáo của J&J. Luật sư bên nguyên Rebecca Jancasukas cho biết quyết định này đã "xác nhận rằng các nạn nhân có quyền được bồi thường cho những thiệt hại và những biến chứng làm thay đổi cuộc sống mà họ phải gánh chịu vì việc cấy ghép này."

Hãng luật Shine Lawyers, dẫn đầu vụ kiện tập thể trên, cho biết sẽ quyết tâm theo đuổi các yêu cầu đòi bồi thường có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Trong vụ kiện năm 2019, ba phụ nữ đã được bồi thường các mức khác nhau, từ 556.000 AUD đến 1,28 triệu AUD (tương đương 430.000 USD - 1 triệu USD). Những người đòi bồi thường còn lại giờ đây sẽ nêu trước tòa yêu cầu bồi thường cho từng cá nhân.

Phản ứng trước phán quyết trên, J&J bày tỏ cảm thông với những người phụ nữ gặp biến chứng y tế, song nêu rõ sẽ xem xét lại quyết định của tòa và "cân nhắc các lựa chọn."

[Hàn Quốc cấp phép sử dụng vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer]

Trên toàn thế giới, hơn 2 triệu phụ nữ đã được cấy ghép lưới đỡ xương chậu và phán quyết trên của tòa án Australia không phải là trường hợp duy nhất.

Đầu năm ngoái, một thẩm phán ở bang California (Mỹ) đã ra phán quyết buộc J&J phải trả 344 triệu USD vì lừa dối và tiếp thị sai sự thật các sản phẩm lưới đỡ xương chậu mà hàng nghìn phụ nữ ở bang này đã sử dụng. Tập đoàn này cũng đã phải trả lần lượt 9,9 triệu USD và 117 triệu USD cho bang Washington và liên minh gồm 42 bang khác để dàn xếp các cáo buộc tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục