Tòa án Hiến pháp Mali ra phán quyết hoãn bầu cử quốc hội

Tòa án Hiến pháp Mali đã ra phán quyết hoãn bầu cử quốc hội cho đến năm 2019 và gia hạn nhiệm kỳ cho các nghị sỹ thêm 6 tháng, như đề nghị của quốc hội nước này ngày 15/10.
Tòa án Hiến pháp Mali ra phán quyết hoãn bầu cử quốc hội ảnh 1Cử tri Mali bỏ phiếu bầu Tổng thống tại Bamako ngày 29/7 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tòa án Hiến pháp Mali đã ra phán quyết hoãn bầu cử quốc hội cho đến năm 2019 và gia hạn nhiệm kỳ cho các nghị sỹ thêm 6 tháng, như đề nghị của quốc hội nước này ngày 15/10.

Cuộc bầu cử cơ quan lập pháp Mali ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 28/10 tới, song tháng trước, chính phủ nước này đã hoãn bầu cử đến ngày 25/11 tới do chậm trễ trong khâu đăng ký ứng cử viên.

Một quan chức quốc hội đã xác nhận quyết định trên của Tòa án Hiến pháp, cho rằng việc hoãn bầu cử thêm 6 tháng sẽ cho phép Mali tiến hành cải cách theo thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ cùng các nhóm đồng minh với lực lượng nổi dậy người Tuareg được ký hồi năm 2015 và giảm căng thẳng chính trị.

Tháng Tám vừa qua, ông Ibrahim Boubacar Keita, 73 tuổi, đã được bầu lại làm Tổng thống Mali, với hơn 67% phiếu bầu.

Tuy nhiên, phe đối lập đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp không công nhận kết quả, cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử.

[Tổng thống Mali tái bổ nhiệm ông Boubeye Maiga làm thủ tướng]

Tòa án Hiến pháp đã bác bỏ cáo buộc của phe đối lập, xác nhận chiến thắng thuộc về Tổng thống Keita.

Ngày 4/9 vừa qua, ông Keita đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm, đồng thời cam kết hòa giải dân tộc, giải giáp lực lượng dân phòng, đồng thời tái thiết hòa bình tại khu vực miền Bắc bất ổn.

Mali đã chìm trong hỗn loạn kể từ khi các tay súng Hồi giáo người Tuareg nổi dậy giành quyền kiểm soát sa mạc phía Bắc năm 2012. Một năm sau đó, các lực lượng của Pháp đã can thiệp và đánh bại phiến quân.

Bất chấp thỏa thuận hòa bình đạt được năm 2015, phần lớn lãnh thổ Mali vẫn đang nằm trong tay các lực lượng nổi dậy.

Bên cạnh đó, các tay súng người Tuareg đang tái hợp, đặt ra một nguy cơ bất ổn mới.

Các vụ tấn công xảy ra thường xuyên của các tay súng có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và Hồi giáo ở Mali và các nước láng giềng Niger và Burkina Faso khiến các cường quốc phương Tây như Pháp và Mỹ gia tăng sự hiện diện của binh sỹ và không quân trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục