Tòa án Quốc tế kết tội tập đoàn hủy diệt môi trường của Việt Nam

Tòa án Quốc tế về Monsato tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết kết án tập đoàn trên về tội hủy diệt môi trường, gây tác hại lâu dài tới hệ sinh thái và cuộc sống của người dân nhiều nước.
Tòa án Quốc tế kết tội tập đoàn hủy diệt môi trường của Việt Nam ảnh 1Người biểu tình phản đối tập đoàn hóa chất Monsato. (Nguồn: phys.org)

Sau 6 tháng điều tra và 2 ngày xét xử, kết thúc phiên tòa luận tội tập đoàn hóa chất Monsanto, ngày 18/4, Tòa án Quốc tế về Monsato tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết kết án tập đoàn trên về tội hủy diệt môi trường, gây tác hại lâu dài tới hệ sinh thái và cuộc sống của người dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Đây là phiên tòa công dân nhằm đánh động dư luận và thúc đẩy thực thi pháp luật, diễn ra theo sáng kiến của các tổ chức bảo vệ môi trường. Cách đây 6 tháng, các tổ chức này đã theo đúng thể thức của Tòa án La Hay mời 5 thẩm phán điều tra hồ sơ Monsato, tập đoàn hóa chất đã từng tham gia cung cấp chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam và hiện đang sản xuất thuốc trừ sâu, giống cây trồng biến đổi gene.

Các thẩm phán đánh giá rằng Monsanto đã tiến hành các hoạt động gây tác hại đến môi trường, ảnh hưởng đến các quyền của các dân tộc bản địa và các cộng đồng địa phương. Ngoài ra, hoạt động thương mại đối với giống biến đổi gene của Monsanto đã gây ảnh hưởng đến các quyền về lương thực và y tế vì đã ép buộc nông dân phải chấp nhận các phương thức canh tác không tôn trọng lối canh tác truyền thống. Hoạt động của Monsanto cũng làm phương hại các quyền tự do nghiên cứu khoa học, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin. Các thẩm phán xác nhận tập đoàn Monsanto đã hủy diệt môi trường và gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.

Theo các thẩm phán đánh giá đã đến lúc đề nghị xây dựng một khái niệm pháp lý mới về tội ác hủy diệt môi trường và sửa đổi vấn đề này trong Quy chế Rome. Đó là quy trách nhiệm cho chủ thể doanh nghiệp (pháp nhân) trong tội ác hủy diệt môi trường vì lâu nay chỉ có cá nhân được xem là chủ thể chịu trách nhiệm (thể nhân).

Kết luận này của Tòa án Quốc tế Monsanto tại La Hay ngày 18/4 được xem như kết luận cuối cùng. Do đây là phiên tòa công dân nên về mặt pháp lý, kiến nghị tham vấn không có giá trị ràng buộc. Chủ tọa phiên toà Françoise Tulkens, nguyên Thẩm phán Toà án Nhân quyền châu Âu, đánh giá các thẩm phán đã đưa ra kết luận dựa theo nhiều báo cáo và chứng cứ được thừa nhận. Bà nhận xét kiến nghị tham vấn đã đưa ra khái niệm mới về tội ác hủy diệt môi trường và sẽ giúp các nước tôn trọng các quyền cơ bản tốt hơn nữa. Ngoài ra, các nạn nhân của Monsanto cũng có thể sử dụng các luận điểm pháp lý trong kiến nghị tham vấn để kiện Monsanto. Kiến nghị tham vấn sẽ được chuyển đến Liên hợp quốc, Tòa án Hình sự quốc tế, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và Monsanto./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục