Tòa bác đơn kháng cáo của hậu vụ án Epco

Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân và kháng cáo đòi bồi thường Công ty Epco.
Kết thúc xét xử phúc thẩm vụ án “lạm quyền và thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành công vụ” hậu vụ án Epco - Minh Phụng, ngày 17/8, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo kêu oan của Bùi Liên Hiệp, 52 tuổi, nguyên Chấp hành viên Phòng thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh; bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân.

Đồng thời, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng bác kháng cáo đòi bồi thường 3,6 tỷ đồng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Epco; bác kháng cáo của ông Liên Khui Thìn, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty Epco, đang ở tù, chấp nhận một phần kháng cáo của Lương Vĩnh Phúc và giữ nguyên quan điểm của bản án sơ thẩm ngày 9/9/2008.

Theo đó, Hội đồng xét xử xử phạt Bùi Liên Hiệp 1 năm 8 tháng 3 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam); không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lương Vĩnh Phúc, 54 tuổi, nguyên Trưởng phòng thi hành án dân sự; buộc 5 hộ dân liên quan trong vụ án chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại 860 triệu đồng cho Công ty Epco.

Theo nội dung vụ án, bản án phúc thẩm vụ án Epco - Minh Phụng ngày 12/1/2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phần dân sự “Giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Epco thu hồi số tiền mà Liên Khui Thìn đã đầu tư trên số đất tại quận 2 và quận 9 (chưa đưa vào tài sản thế chấp) để trả cho Ngân hàng Công thương Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.

Ngày 31/3/2008, Cơ quan thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định giao cho Công ty Epco thực hiện việc thu hồi số tiền nói trên, phân công Bùi Liên Hiệp cùng với Lương Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thi hành án.

Tuy nhiên, Hiệp đã lập tờ trình đề xuất với Phúc phê duyệt thu hồi tiền của các hộ dân nói trên là 1 tỷ đồng, trong khi vấn đề này không thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án. Khi thu tiền của hộ dân, Hiệp đã không thẩm tra xác định, không trao đổi với Công ty Epco mà chỉ nghe lời khai của họ để thu tiền. Số tiền đã thu được, thay vì trả cho Ngân hàng Công thương Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp lại trả cho các đơn vị khác không được thi hành án.

Sau đó, Hiệp gửi hai công văn, không thông qua lãnh đạo phòng đến Ủy ban Nhân dân phường An Phú, quận 2, với nội dung xác nhận các hộ dân đã thi hành án xong và đề nghị Ủy ban Nhân dân quận 2 cho phép họ được lập thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Còn với Phúc, trong quá trình làm việc đã không kiểm tra cấp dưới, để Hiệp lạm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng, tạo điều kiện để hộ dân chỉ nộp lại giá tiền 40.000 đồng/m2 cho cơ quan thi hành án.

Tòa sơ thẩm xử ngày 9/9/2008 đã tuyên phạt Bùi Liên Hiệp 1 năm 8 tháng 3 ngày tù về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, phạt Lương Vĩnh Phúc mức cảnh cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bản án sơ thẩm đã xác định thiệt hại tài sản mà Hiệp và Phúc gây ra đối với Công ty Epco là 860 triệu đồng, buộc hai bị cáo và các hộ chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Nhưng sau đó, ngày 17/9/2008, Viện Kiểm sát Nhân dân đã kháng nghị bản án sơ thẩm này theo hướng tăng nặng hình phạt đối với Hiệp và Phúc, quy trách nhiệm bồi thường chỉ thuộc về hai bị cáo mà thôi.

Diễn biễn tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra 12/8/2009, Phúc cho rằng, do hơn 1 năm sau khi có quyết định thi hành án nhưng Công ty Epco không thi hành án nên theo Pháp lệnh thi hành án, Cơ quan thi hành án được quyền thu hồi thi hành án thay tiền của các hộ dân.

Trong khi, theo Hiệp, cơ quan thi hành án đã nhận được cả đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng Công thương Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng như đơn tự nguyện thi hành án của các hộ dân, do đó việc cơ quan thi hành án thu thi hành án thay Công ty Epco là có thể chấp nhận được.

Luật sư bào chữa cho Hiệp cho rằng, hai công văn mà Hiệp gửi cho Ủy ban Nhân dân quận 2 chỉ có giá trị thi hành án tham khảo, không có giá trị pháp lý buộc Ủy ban Nhân dân làm theo nên không thể truy tố về tội lạm quyền, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra nhưng phải do Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao điều tra theo đúng thẩm quyền chứ không giao cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra (PC16), Công an Thành phố Hồ Chí Minh như trước đây.

Ông Liên Khui Thìn thông qua đại diện đã nộp đơn kháng cáo đề nghị Tòa án tuyên cho ông được nhận lại các lô đất từ 5 hộ dân mà ông đã bồi hoàn gần xong để thi hành hoàn tất phần dân sự theo bản án hình sự phúc thẩm vụ án Epco - Minh Phụng.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, bổ sung, làm rõ.

Theo đại diện Công ty Epco, giá đền bù vào thời điểm năm 1992 mà Epco trả cho dân là 40.000 đồng/m2 cho 30ha, nếu chỉ lấy lại số tiền đó thì phía Công ty sẽ thua thiệt, vì thời điểm thi hành án vào năm 2007, giá đất tại khu vực của các hộ dân có liên quan, phải được tính theo giá khác. Theo đó, giá đền bù sẽ phải được nâng lên từ 40.000 đồng/m2 lên 150.000 đồng/m2.

Đại diện Công ty Epco yêu cầu các bị cáo phải phải bồi thường phần còn lại là 3,6 tỷ đồng. Hội đồng định giá tài sản cũng xác nhận thiệt hại mà Công ty phải chịu là 3,6 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục