Tọa đàm tôn vinh nhân cách đạo đức của Hồ Chủ tịch

Nhân cách đạo đức và công lao của Bác đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã được tôn vinh trong cuộc tọa đàm tại Buenos Aires.

Công lao và những đóng góp to lớn của Bác Hồ đối với công cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức cũng như nhân cách đạo đức trong sáng của Người đã được khẳng định và tôn vinh tại cuộc tọa đàm mang tên “Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng, danh nhân văn hóa”, diễn ra ngày 20/11 tại thủ đô Buenos Aires.

Tham gia cuộc mạn đàm do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam (ICAV) tổ chức này có đông đảo giáo sư, học giả, đại diện giới văn hóa và bạn bè của Việt Nam tại Argentina và một số nước khác.

Trong lời dẫn đề, Đại sứ Việt Nam tại Argentina Thái Văn Lung khẳng định diễn đàn này là cơ hội để những người bạn Việt Nam và Argentina, cũng như từ những quốc gia khác, trao đổi cảm nhận và suy nghĩ của mình về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương của Bác - biểu tượng của cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của các dân tộc trên thế giới.

Sau khi điểm lại thân thế và quá trình đấu tranh cách mạng của Bác Hồ, bà Poldi Sosa Schmidt, Chủ tịch ICAV, đã rút ra kết luận rằng đạo đức cách mạng chính là điểm tựa giúp Người vượt qua muôn vàn gian khó về cả tinh thần và vật chất để giữ vững mục tiêu đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.

Nữ chính trị gia lão thành năm nay đã 98 tuổi Fanny Edelman, Chủ tịch danh dự Đảng Cộng sản Argentina, đã xúc động kể lại những chuyến thăm tới Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi bà đã tận mắt kiểm chứng giá trị chính trị và nhân văn của Cách mạng Việt Nam, cũng như sự vận dụng sáng tạo luận thuyết Mác-Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Về phần mình, thông qua phân tích một số bài học rút ra từ Di chúc Bác Hồ về tình đoàn kết, phát triển song song kinh tế và văn hóa, giáo dục thanh niên..., luật sư Rodolfo Caffero Kramer đã khẳng định giá trị trường tồn của văn bản bất hủ này.

Trong khi đó, với những lập luận từ nhiều góc độ, ông Pascual Albanese, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Argentina (IPE), đã khẳng định Việt Nam ngày nay, với định hướng xã hội chủ nghĩa và những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, chính là “người kế thừa hợp pháp” bản Di chúc lịch sử của Bác.

Tiến sĩ, giáo sư Sử học Pablo Pozzi, thuộc Đại học Tổng hợp Buenos Aires, đã khơi dậy những hồi ức của một lớp thanh niên tại Argentina, mà ông gọi là “thế hệ Việt Nam”, những người đã dõi theo từng bước đi trong cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam và xây dựng tư tưởng chính trị cho mình từ những tác phẩm của các nhà cách mạng Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong nhiều giờ thảo luận, các diễn giả còn đề cập tới hình tượng Hồ Chí Minh trong lòng các dân tộc Mỹ Latinh, đóng góp của Bác trong văn học nghệ thuật và các bài học mà Người đã để lại trong công tác giáo dục, phát triển con người, xây dựng tình đoàn kết quốc tế./.

Quang Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục