Tọa đàm trực tuyến "Để có bữa ăn ngon cho mọi nhà"

Người nội trợ mua gì, mua ở đâu và ăn gì, ăn ở đâu an toàn là một trong những nội dung được giải đáp tại buổi tọa đàm diễn ra ngày 16/10.
Ngày 16/10 tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm “Để có bữa ăn an toàn cho mọi nhà.”

Cảnh báo về tình trạng thịt bẩn, rau quả nhiễm hóa chất bảo quản độc hại xuất hiện tràn lan trên thị trường. Người nội trợ mua gì, mua ở đâu và ăn gì, ăn ở đâu cho an toàn? Vấn đề thực phẩm mất an toàn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng; thực phẩm chức năng và đâu là ngưỡng đảm bảo thực phẩm an toàn; thực phẩm và nông sản sạch Việt Nam xuất khẩu hết còn thị trường trong nước sử dụng loại không đạt tiêu chuẩn... Đây là những nội dung chính được trao đổi tại cuộc tọa đàm.

Giải đáp về mối lo lắng của người dân, nhất là những người nội trợ làm thế nào chọn thực phẩm an toàn, ông Nguyễn Như Tiệp Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều lấy mẫu giám sát với những nông sản chủ lực như thịt, rau, quả, thủy sản. Kết quả cho thấy tỷ lệ rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép đến năm 2011 chỉ còn 4,43% . Tỷ lệ thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép là 30%. Tỷ lệ thủy sản tồn dư hóa chất dưới 0,8% ...

Việc lấy mẫu được thực hiện tại hầu hết các tỉnh, đại diện cho quy mô sản xuất nhỏ lẻ và sản xuất lớn, kích cỡ mẫu đủ lớn (500 đến 900 mẫu rau quả, 400 đến 800 mẫu thịt, 500 đến 700 mẫu thủy hải sản), đảm bảo tin cậy. Số liệu giám sát ba năm cho thấy, không phải thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây hại.

Ví dụ như tỷ lệ thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh từ 27 đến 30% nhưng nếu ăn chín là xử lý được. Tỷ lệ tồn dư hóa chất có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ ô nhiễm vi sinh lại không giảm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi sinh trong thịt gia súc gia cầm và thủy hải sản.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đồng ý quan điểm của của ông Tiệp và cho rằng, khi có đánh giá một vấn đề cần có bằng chứng khách quan và khoa học, dựa trên các kết quả kiểm nghiệm, thống kê với cỡ mẫu đủ lớn, đảm bảo tính đại diện. Rõ ràng tỷ lệ ô nhiễm tại Việt Nam vẫn còn nhưng so với các nước trong khu vực thì cũng không phải đáng lo ngại. Nếu ăn chín, uống chín thì vi sinh sẽ bị tiêu diệt...

Theo Bộ Công Thương, các nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính, có yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm như: châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Liệu có tình trạng thực phẩm an toàn thì xuất khẩu, kém an toàn thì để lại trong nước xuất khẩu?

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết: "Không thể lấy một mẫu vi sinh vật có hại trên tay một người rồi từ đó kết luận tất cả mọi người cùng trong phòng đó đều có. Việc xuất khẩu cũng vậy, không có quốc gia nào đủ nguồn lực kiểm tra tất cả các sản phẩm nhập khẩu, mà chỉ lấy mẫu đại diện.Tôi không nghĩ rằng tất cả các sản phẩm tốt đều mang đi xuất khẩu, còn lại không tốt để ở trong nước."

Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một trong những điều khoản bắt buộc thực hiện là hiệp định liên quan đến rào cản thương mại và kiểm soát về bệnh dịch động, thực vật. Có nguyên tắc bình đẳng là hàng hóa của Việt Nam hay của nước ngoài nếu xuất khẩu hay nhập khẩu vào Việt Nam đều chịu sự quản lý bình đẳng như nhau, nên không có sự phân biệt giữa sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Theo thống kê, hàng năm Việt Nam có hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm làm khoảng 5.000 người mắc, hàng chục người chết.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, nếu nhìn vào số thống kê thì số liệu của Việt Nam là rất ít. Một chuyên gia quốc tế đã nêu, Hoa Kỳ với gần 300 triệu dân, có điều kiện kinh tế cao, mà một năm có 75-76 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, Việt Nam có gần 90 triệu dân, còn nhiều bất cập xuất phát từ điều kiện kinh tế-xã hội mà con số thống kê về ngộ độc thực phẩm lại rất ít.

Số liệu ghi nhận được không đầy đủ so với thực tế do không có hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, nên con số ước lượng của chúng tôi lớn hơn rất nhiều. Ngay cả các nước có hệ thống giám sát đầy đủ thì các trường hợp ghi nhận cũng chỉ bằng 10% so với thực tế. Thực tế vấn đề ngộ độc mạn tính cũng có nhưng nếu nói mức độ tất cả đều bị ngộ độc mạn tính là không chính xác.

Nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng cho thấy, thể trạng người Việt, tuổi thọ người Việt đã được cải thiện rất đáng kể trong thời gian qua, có nhiều yếu tố khác nhau, nhưng rất quan trọng là yếu tố về thực phẩm, nếu thực phẩm đều không an toàn thì tuổi thọ làm sao tăng được?

Ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ về khái niệm thực phẩm chức năng. Đây là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Trên thế giới từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thực phẩm chức năng đã phát triển đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Các vi chất dinh dưỡng, chất khoáng rất cần cho cơ thể nhưng cần ở mức độ nhất định không thể dùng quá liều. Lạm dụng thực phẩm chức năng là rất không nên.

Có thể nói, những năm gần đây số lượt thanh tra, kiểm tra tăng nhiều và tất nhiên số cơ sở vi phạm bị phát hiện cũng tăng lên. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào số lượng để nói là càng thanh tra thì phát hiện càng nhiều thì cũng chưa chính xác hoàn toàn./.

Nt Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục