Tọa đàm tuyên truyền phân giới cắm mốc Việt-Trung

Đại diện 7 tỉnh tiếp giáp Trung Quốc thống nhất lên kế hoạch tuyên truyền về nội dung ý nghĩa của Nghị định thư phân giới cắm mốc.
Ngày 15/7, tại Hà Giang, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tọa đàm tuyên truyền sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và các ngành liên quan của 7 tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Đện Biên, Lai Châu.

Các đại biểu đã nghe phát biểu khai mạc của phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Linh và Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Hồng Thao về tình hình quan hệ Việt-Trung sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, tình hình triển khai thực hiện Nghị định thư và các Hiệp định liên quan.

Các đại biểu nhất trí đánh giá với việc 3 văn kiện Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc chính thức có hiệu lực, hai bên Việt Nam-Trung Quốc đã hoàn thành trọn vẹn việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền sau 36 năm kể từ khi hai nước tiến hành vòng đàm phán đầu tiên. Sự kiện này ghi thêm một mốc son mới trong lịch sử quan hệ Việt-Trung.

Đây là lần đầu tiên đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc được xác định một cách rõ ràng, chính xác với một hệ thống mốc giới hoàn chỉnh, hiện đại, tạo điều kiện cho các địa phương hai bên biên giới mở rộng hợp tác kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.

Đồng thời, các địa phương bước đầu đã làm tốt công tác tuyên truyền đấu tranh phản bác, chống lại các luận điệu xuyên tạc của một số phần tử cơ hội, thế lực thù địch phủ nhận những kết quả hai nước đã đạt được trong việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền, bắt đầu thực hiện quản lý đường biên giới mới theo 3 văn kiện vừa chính thức có hiệu lực.

Trên cơ sở đánh giá đó, các đại biểu tham dự tọa đàm đã thống nhất triển khai công tác trong thời gian tới phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài thông hiểu về nội dung ý nghĩa về Nghị định thư phân giới cắm mốc và các Hiệp định có liên quan nhằm tạo ra sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội trong việc thực thi Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và các văn kiện hai nước ký kết vừa chính thức có hiệu lực, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc dài 1.449,566 km, trong đó đường biên giới đi theo sông suối là 383,914 km. Hai bên đã cắm 1971 mốc, trong đó có 01 mốc được cắm theo Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc, 1.548 mốc chính và 422 mốc phụ./.

Lê Việt Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục