Tọa đàm về Luật Quốc tịch và Luật Nhà ở

Tại cuộc tọa đàm về Luật Quốc tịch và Luật Nhà ở, nhiều kiều bào cho biết gặp vướng mắc từ tìm hiểu thông tin đến hoàn tất hồ sơ.
Hàng chục câu hỏi của kiều bào đặt ra trong cuộc tọa đàm liên quan Luật Quốc tịch và Luật Nhà ở do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức ngày 31/1 tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy vẫn còn vướng mắc trong khâu triển khai và thực thi hai văn bản luật quan trọng này ở các địa phương.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà khi trả lời trực tiếp nhiều câu hỏi của kiều bào về hai điều luật 126 (Luật Nhà ở) và điều 121 (Luật Đất đai) đã khẳng định việc sửa đổi hai điều luật này là nhằm đảm bảo quyền lợi và nhu cầu chính đáng của kiều bào về một nơi cư trú ổn định tại quê hương.

“Quốc hội và Chính phủ nhận thấy những thắc mắc, mong muốn của bà con kiều bào về một văn bản luật phù hợp chủ trương chung song phải dễ thực hiện trong thực tế nên đã thúc đẩy việc sửa đổi luật”, ông nói.

Do đã tách biệt rõ các đối tượng điều chỉnh và bổ sung một số đối tượng, đơn giản hóa các điều kiện và thủ tục, hai điều luật mới đã đáp ứng nhu cầu đại đa số bà con trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài về vấn đề nhà ở và cư trú. Tuy nhiên, có rất nhiều kiều bào cho biết họ gặp vướng mắc kể từ khâu tìm hiểu thông tin, đăng ký và hoàn tất hồ sơ, xin các loại giấy xác nhận.

Bác sĩ Lương Huỳnh Ngân (Việt kiều Pháp) cho biết ông hồi hương đã 4 tháng song không thể hoàn tất thủ tục do cơ quan tiếp nhận yêu cầu ông phải có giấy khai sinh ghi rõ quốc tịch Việt Nam.

Nhiều kiều bào cho biết họ có vợ/chồng là người Việt Nam và đã về định cư trong nước song vẫn chưa hoàn tất giấy tờ sở hữu nhà đất, một số khác gặp khó khăn khi đăng ký công dân Việt Nam, xin thường trú và nhập khẩu tại nhà người thân ở Việt Nam, thực hiện quyền giám hộ đối với trẻ em, thừa kế tài sản…

Tiến sĩ Nguyễn Thái Phúc, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận thực tế thi hành Luật Quốc tịch và Luật Nhà ở, Luật Cư trú tại một số địa phương là không giống nhau do cách hiểu và vận dụng luật thiếu thống nhất.

Ông khẳng định việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực thi luật ở các địa phương hiểu luật và làm đúng luật là trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan. “Không loại trừ có trường hợp hiểu đúng luật song cố tình gây khó dễ cho kiều bào. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc xử lý những trường hợp này”, ông hứa và cáo lỗi với kiều bào về những trường hợp này.

Những câu trả lời trực tiếp và thẳng thắn của những người có trách nhiệm trong cơ quan tư pháp, nhà đất, xây dựng, hộ tịch… tại cuộc gặp gỡ đã nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh của đông đảo bà con Việt kiều.

Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh Lưong Bạch Vân khẳng định Trung tâm hỗ trợ kiều bào của Hội sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu tư vấn, hỗ trợ và cung cấp thông tin về vấn đề quốc tịch và nhà ở của kiều bào ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ qua địa chỉ email alov-hcmc@vnn.vn./.

Thi Cầm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục