Tòa ICC giảm nhẹ áp lực đối với Tổng thống Kenya

Mặc dù vẫn mở phiên xét xử Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta nhưng Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã miễn cho ông phải hiện diện tại tòa.
Bất chấp dư luận quốc tế phản đối việc truy tố Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ngày 18/10 vẫn quyết định tiến hành các phiên xét xử nhà lãnh đạo này theo kế hoạch, song miễn cho ông phải có mặt liên tục tại các phiên tòa.

Thông cáo của ICC nêu rõ các phiên tòa xét xử Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta sẽ bắt đầu vào ngày 12/11 tới, song Hội đồng xét xử miễn cho ông Kenyatta phải có mặt liên tục tại tòa (tại La Haye - Hà Lan), nhằm tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo này thực hiện các nhiệm vụ chính trị “khó khăn” ở quê nhà, trong đó có nỗ lực an ninh nhằm chống lại các âm mưu khủng bố sau vụ trung tâm thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi bị tấn công hồi tháng trước.

[AU kêu gọi ICC hoãn xét xử lãnh đạo Kenya, Sudan]

Theo quyết định của ICC, Tổng thống Kenyatta sẽ phải có mặt tại phiên khai mạc buổi chất vấn cũng như khi tất cả các bên trong vụ kiện đưa ra các tuyên bố cuối cùng.

Ông Kenyatta cũng phải có mặt khi các nạn nhân làm chứng và nếu cần thiết là tại cả các phiên nghe tuyên án. Trong trường hợp ông Kenyatta không ra hầu tòa, ICC có thể sẽ ra lệnh bắt giữ và đặt Kenya vào tình trạng cô lập ngoại giao.

Hiện cả Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Phó Tổng thống William Ruto  đều đang bị ICC truy tố về các cáo buộc phạm tội chống lại loài người liên quan đến làn sóng bạo lực sắc tộc sau cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2007, khiến ít nhất 1.100 người thiệt mạng. Cả hai nhà lãnh đạo này đều bác bỏ cáo buộc của ICC. Phó Tổng thống Ruto đã tới Hà Lan để hầu tòa hồi tháng Chín vừa qua.

Năm 2009, ICC cũng ra lệnh bắt giữ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir về những cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại vùng Darfur. Tòa án này dựa vào sự hợp tác của các cơ quan chính phủ của các nước trong việc bàn giao các nghi phạm, nhưng ông Bashir đã không bị bắt ngay cả khi ông đi tới các nước đã phê chuẩn quy chế của ICC.

Hồi đầu tuần này, Liên minh châu Phi (AU) đã yêu cầu ICC không truy tố các nhà lãnh đạo đương chức của các chính phủ thuộc châu lục này theo đúng luật pháp quốc tế. Chủ tịch AU - Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desslegn cho rằng việc ICC khởi tố các nguyên thủ quốc gia của Kenya và Sudan có thể cản trở các nỗ lực hòa bình và hòa giải tại các quốc gia này.

ICC được thành lập vào năm 2002 nhằm xét xử tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Cho tới nay, đã có 122 quốc gia phê chuẩn quy chế của tổ chức này, trong đó có 34 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục