Toàn cảnh ICT 2013: Trăm mối tơ vò chưa gỡ

Toàn cảnh ngành ICT 2013: Trăm mối tơ vò chưa gỡ

Kết thúc năm 2013, nhìn từ 10 bình chọn sự kiện tiêu biểu của Câu lạc bộ các nhà báo ICT thì có thể nói đây là một năm đầy những sự kiện rối như tơ...

Năm 2013 đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của ngành công nghệ thông tin-viễn thông (ICT) Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới bước phát triển của ngành cũng như người dùng cuối. Trong đó, các sự kiện thu hút đông đảo dư luận quan tâm chính là việc nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G, OTT, Nghị định 72 và việc điều chuyển một số nhân sự cấp cao của VNPT, FPT…

Rát bỏng câu chuyện nhân lực...

Năm 2013 là năm chứng kiến nhiều sự thay đổi nhân sự ở cấp cao của hàng loạt các “đại gia” trong ngành ICT Việt Nam.

Khác hẳn giai đoạn trước, khi thị trường ITC Việt Nam là một trong những thị trường "hot" nhất về tiêu thụ sản phẩm sự thay đổi CEO các đại gia nước ngoài như SamSung, Lenovo, IBM... chỉ tốn rất ít giấy mực.

Nhưng, ở các tập đoàn, công ty Việt Nam thì lại là câu chuyện "ăn khách" nhiều và bền nhất cho làng báo.

Toàn cảnh ngành ICT 2013: Trăm mối tơ vò chưa gỡ ảnh 1"Bộ đôi quyền lực" của FPT. (Nguồn: FPT)

Dẫu diễn ra từ giữa năm nhưng sự kiện FPT một lần nữa thay Tổng Giám đốc vẫn đọng dư âm cho đến tận ngày cuối cùng của năm 2013.

Câu chuyện loay hoay tìm người kế cận của ông Trương Gia Bình, tưởng như có hồi kết khi Trương Đình Anh ngồi lên ghế nóng lại có thêm phần kế tiếp. Dẫu ai cũng biết việc ông Trương Gia Bình quay lại kiêm nhiệm chỉ là tạm thời nhưng việc bổ nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Quang Ngọc lên ghế Tổng giám đốc FPT đã làm ngỡ ngàng cả người trong lẫn ngoài giới CNTT.

Sở dĩ ngỡ ngàng vì, FPT vẫn luôn "trọng người trẻ," chiến lược trẻ hóa đã được đưa ra từ cả chục năm nay, đang thực hiện chiến lược vươn ra toàn cầu một cách mạnh mẽ lại chọn CEO ở tuổi U60, chưa từng thực sự tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bao giờ cho thời điểm này.

Và chính các sự "lạ" ấy khiến cho đến hết năm 2013 và rồi sang năm 2014, câu chuyện chiếc ghế Tổng giám đốc của FPT sẽ vẫn là "đề tài" nóng của giới truyền thông.

Công bằng thì, ai làm cũng vậy, FPT vẫn là công ty công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam và bỏ một khoảng cách rất xa so với "kẻ" kế tiếp cả về doanh thu, nhân lực, lợi nhuận lẫn các dịch vụ cung cấp.

FPT vẫn đang từ từ cuộc hành trình của mình, dẫu không tiến là bao, nhưng cũng không tụt lùi. Thế xem ra cũng là ổn với một công ty lớn trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện tại.

Bất ngờ nhất là sự thay đổi tại VNPT. Chỉ trong một vài ngày, quyết định điều chuyển ông Vũ Tuấn Hùng sang công tác khác và bổ nhiệm ông Trần Mạnh Hùng lên chiếc ghế Tổng giám đốc VNPT đã hoàn tất làm "choáng váng" cả hai người trong cuộc.

Có quá nhiều lời "bàn ra tán vào" xung quanh quyết định chóng vánh này, cả chính thống lẫn ngoài lề. Dường như lý lẽ dưới quyền ông Vũ Tuấn Hùng, VNPT hoạt động không hiệu quả xem ra là chưa đủ thuyết phục, bởi người thay thế ông cũng là người phó thứ nhất, trong cả ban điều hành quyền lực của VNPT.

Và nếu dựa trên lời bình của sự kiện này trong Bình chọn 10 sự kiện ICT 2013 của CLB Nhà báo Việt Nam (ITC Press Club) thì có cảm giác dấu ấn của sự "hạ bệ cá nhân" khá rõ ràng!

Còn một cuộc thay đổi nhân lực nữa đáng chú ý là "cánh tay phải" của Tổng Giám đốc BKAV đột ngột ra đi và nghe nói sẽ sang một công ty cạnh tranh.

Trong khi đó, nhìn về cục diện chung, thì sắp tới sẽ còn có những thay đổi lớn về nhân lực cấp cao của các Tập đoàn lớn như Viettel và hẳn là cả FPT, CMC, VNPT... cũng không ngoại lệ.

Sự bùng nổ OTT "kéo theo" cước 3G?

Năm 2013 đánh dấu sự bùng nổ của các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí trên Internet (OTT) khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng 'mất ăn mất ngủ."

Bên cạnh phần mềm gọi điện Viber đến từ Israel đang chiếm vị trí dẫn đầu với 8 triệu người dùng, là sản phẩm nhắn tin Zalo của Việt Nam đang bám đuổi rất sát với hơn 7 triệu người dùng, kế đó là Line (Nhật Bản) có 4 triệu người dùng.

Toàn cảnh ngành ICT 2013: Trăm mối tơ vò chưa gỡ ảnh 2Dịch vụ 3G của nhà mạng làm nóng dư luận 2013. (Ảnh: Trần Thanh Giang/TTXVN)

Dù OTT cũng có những mặt trái như bị lợi dụng để chiếm đoạt tiền của người dùng, hoặc dùng OTT làm “đòn bẩy” để phát tán tin nhắn rác khiến nhà quản lý phải loay hoay tìm giải pháp thì nó cũng vẫn cứ thu hút đông đảo người dùng vì tính hấp dẫn "miễn phí."

Và chính cái "miễn phí" đó đã làm cho các nhà mạng điên đảo vì mất doanh thu/ Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel từng đăng đàn thẳng thắn: “OTT làm xói mòn doanh thu của nhà mạng.”

Hai mạng VinaPhone và MobiFone cũng cho rằng doanh thu của họ bị giảm hàng nghìn tỷ đồng do người sử dụng OTT thay cho gọi điện, nhắn tin truyền thống. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, OTT là xu hướng công nghệ mới của thế giới, đem lại lợi ích lớn cho người dùng nên không thể ngăn cản sự phát triển. Cơ quan quản lý đưa ra định hướng là phải có sự hợp tác giữa nhà mạng và OTT để đem lại lợi ích lớn hơn cho người dùng.

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, việc hợp tác vẫn chỉ nằm trên lý thuyết và chưa có một cái “bắt tay” thực sự nào được diễn ra. Nhưng, một động thái "bắt tay" khác khá trùng hợp đó là bất ngờ cùng một lúc 3 “ông lớn” viễn thông là VinaPhone, MobiFone, Viettel đồng loạt tăng cước 3G.

Lý do của việc tăng giá được đưa ra là do bán dưới giá thành quá nhiều, và nếu không tăng sẽ khó cho việc đầu tư mở rộng mạng.

Nhưng người tiêu dùng quá sốc với mức tăng giá này đã liên tưởng đến đây chính là một "chiêu" để các nhà mạng đối phó và bù đắp" cho tổn thất từ OTT.

Dư luận đã ào ạt phản đối chuyện tăng giá và cho rằng các nhà mạng chưa đáp ứng tốt chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, việc cùng nhau tăng giá sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh… Trước việc này, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan quản lý cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc, nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã “đăng đàn” và tuyên bố đủ sở cứ pháp luật để đồng ý cho nhà mạng tăng cước 3G. Theo thống kê của Bộ này, ngay cả sau khi đã tăng 20% thì cước 3G của Việt Nam vẫn chỉ bằng 19,4 % so với cước 3G trung bình của các nước và mới chỉ bằng khoảng 50% so với giá thành dịch vụ.

Như vậy, câu chuyện tăng cước 3G sẽ “chưa có hồi kết” và người tiêu dùng còn phải chờ đợi đợt điều chỉnh giá tiếp theo.

Nghị định 72: Mấu chốt là việc thực thi

Gây tranh luận nhất năm 2013 có lẽ là Nghị định 72.

Với cơ quan quản lý, việc Nghị định 72 đi vào cuộc sống được kỳ vọng là tạo hành lang minh bạch cho sự phát triển Internet tại Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển của các loại hình thông tin mới bên cạnh các phương thức truyền thống, phù hợp với thực tế phát triển Internet tại Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều cư dân mạng lại cho rằng, văn bản này là sự ngăn cấm hoạt động tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cũng như việc tổng hợp tin tức.

Tuy nhiên, về bản chất, Nghị định 72 không có ý nào cấm người dùng mạng xã hội tìm kiếm, chia sẻ tin tức.

Thêm vào đó, văn bản này còn có các thông tin liên quan đến vấn đề bản quyền với các trang tin: các trang tin không được tùy tiện đăng tải, trích dẫn, tổng hợp thông tin từ các nguồn chính thống mà không được sự đồng ý của người sở hữu; trang tin tổng hợp theo mô hình nào phải chịu sự quản lý tương ứng...

Một trong những nội dung quan trọng khác của Nghị định số 72 là cấp phép trở lại cho game online kể từ 1/9/2013 sau ba năm tạm ngừng cấp phép.

Theo các chuyên gia, Nghị định 72 thực sự là bước đột phá quan trọng của ngành ICT, nhằm phát triển Internet Việt Nam một cách bền vững, hiệu quả và minh bạch.

Điều này cũng hạn chế những tác hại không mong muốn cho xã hội.

Tuy nhiên, người ta còn phải chờ đợi xem việc thực thi Nghị định 72 ra sao để nó thực sự trở thành “đòn bẩy” cho Internet Việt Nam.


Doanh nghiệp "làm khó" nhau, khách hàng lĩnh đủ

Đầu năm 2013, vấn đề kết nối ngang hàng giữa các doanh nghiệp như CMC Telecom - Viettel, CMC Telecom - FPT Telecom, Viettel - VDC bỗng trở nên nóng bỏng và các doanh nghiệp Internet lớn quay sang tính tiền các doanh nghiệp Internet nhỏ.

Thậm chí đã có thời điểm các doanh nghiệp này đã tiến hành cắt kết nối của nhau khiến không chỉ chính doanh nghiệp gặp bất lợi trong kinh doanh mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng.

Trước vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải vào cuộc, bổ sung thêm các quy định về quản lý kết nối Internet.

Hy vọng rằng, câu chuyện gà nhà đá nhau này sẽ không còn xảy ra để khách hàng không rơi vào cảnh dở cười dở mếu với dịch vụ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục