Toàn cầu hóa đầu tư canh tác nông nghiệp ở nước ngoài

Tạp chí Le Nouvel Observateur (Pháp) tuần qua có bài viết về xu hướng các nước đầu tư canh tác nông nghiệp ở nước ngoài trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu vừa qua khiến vấn đề an ninh lương thực được chú trọng hơn.

Tạp chí Le Nouvel Observateur (Pháp) tuần qua có bài viết về xu hướng các nước đầu tư canh tác nông nghiệp ở nước ngoài trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu vừa qua khiến vấn đề an ninh lương thực được chú trọng hơn.
 
Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước vùng Vịnh đang dẫn đầu xu hướng này với việc đầu tư vào những vùng đất canh tác lớn ở nước ngoài. Đầu tháng 11 vừa qua, Hàn Quốc đã giành được quyền khai thác nửa số đất canh tác của Madagascar.
 
Tập đoàn Daewoo thuê được 1,3 triệu hécta đất trong 99 năm, dự định trồng ngô trên 1 triệu hécta và trồng cây cọ dầu trên 300.000 héc-ta còn lại. Đổi lại, Daewoo cam kết đầu tư 6 tỉ USD trong vòng 25 năm tại nước này.
 
Các nước xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh, hiện đang nhập khẩu từ 69% - 90% lương thực, đã chọn giải pháp canh tác nông nghiệp ở các nước như Indonesia, Sudan, Senegan.
 
Trung Quốc với số dân 1,4 tỉ người, chiếm một phần tư dân số thế giới nhưng tỉ lệ đất canh tác chỉ có 7%, cũng đã nhắm đến châu Phi với các kế hoạch trồng lúa, vừng, lúa mì, và trồng cọ lấy dầu làm nhiên liệu.
 
Một chuyên gia về quản lý đất đai thuộc Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) nhận xét: "Đây không phải là điều mới, nhưng có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử hiện tượng này được toàn cầu hóa như vậy".
 
Cùng với xu hướng trên, vài tháng gần đây, một số ngân hàng và quỹ đầu tư đã lao vào mua đất. Nhiều công ty địa ốc sẵn sàng môi giới mua bán hàng ngàn hécta đất ở khắp nơi trên thế giới.
 
Theo các chuyên gia, đầu tư canh tác nông nghiệp ở nước ngoài là một hoạt động tốt nếu được thực hiện trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, trong đó ngành nông nghiệp và nông dân ở các nước tiếp nhận đầu tư cũng được hưởng lợi, chẳng hạn thông qua việc truyền kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.
 
Tuy nhiên, có một số ý kiến phản đối hình thức đầu tư này, trong đó nêu ra vấn đề đặc trưng dân tộc cũng như những thiệt hại mà người dân bản địa phải chịu trong khi không được hưởng lợi ích gì.
 
Bên cạnh đó, tạp chí Le Nouvel Observateur cũng nêu trường hợp một tỉ phú đã bỏ tiền mua 160.000 héc-ta rừng nguyên sinh ở Amazone để bảo vệ rừng khỏi bị hủy hoại. Một số tổ chức phi chính phủ cũng theo cách làm này và được mệnh danh là "những nhà thực dân xanh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Tin cùng chuyên mục