Toan tính của Ấn Độ khi muốn quan hệ tốt với cả Nga và phương Tây

Từng là đồng minh của Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ chơi quân bài “trung lập,” muốn duy trì quan hệ tốt với cả Nga và phương Tây để đối phó với mối đe dọa mang tên Trung Quốc.
Toan tính của Ấn Độ khi muốn quan hệ tốt với cả Nga và phương Tây ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bất chấp việc các nước phương Tây ve vãn kêu gọi "nhập phe" và trừng phạt Nga, Ấn Độ vẫn tăng gấp đôi lượng dầu thô mua từ Nga kể từ khi Nga xung đột với Ukraine với lý do "giá rẻ."

Từng là đồng minh của Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ chơi quân bài “trung lập,” muốn duy trì quan hệ tốt với cả Nga và phương Tây để đối phó với mối đe dọa mang tên Trung Quốc.

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, 80% trong số đó là nhập khẩu. Hãng tin Reuters cho biết các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã đặt hàng ít nhất 40 triệu thùng dầu của Nga kể từ ngày 24/2 - ngày Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine. Năm 2021, tổng lượng dầu mà Ấn Độ mua từ Nga chỉ khoảng16 triệu thùng.

[Lý do các nước châu Âu vẫn do dự trong việc cấm vận dầu Nga]

Truyền thông nước này cho biết Nga đã giảm giá bán dầu cho Ấn Độ, thấp hơn 20% so với giá chuẩn toàn cầu.

Chính quyền New Delhi không những phớt lờ các lệnh trừng phạt của phương Tây đánh vào nền kinh tế Nga mà còn từ chối lên án hành động xâm lược của Moskva. 

Phương Tây "đổ xô" thăm Ấn Độ

Lập trường trung lập của quốc gia đông dân thứ hai châu Á này khiến Điện Kremlin hài lòng, nhưng ngay lập tức thu hút sự chú ý của phương Tây.

Nhà Trắng gây áp lực, chỉ trích New Delhi “hèn nhát,” và có thể Mỹ sẽ tính đến việc trừng phạt Ấn Độ vì gần đây đã mua vũ khí của Nga.

Thế nhưng, theo CNN, gần đây Washington đã "đổi giọng." Trong cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/4, Biden đã tán dương quan hệ hợp tác song phương và ca ngợi những giá trị chung của hai nước.

Ngay sau đó, các nước châu Âu dồn dập đến thăm Ấn Độ. Đầu tiên là chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/4 nhằm tăng cường hợp tác thương mại với Ấn Độ; tiếp đến là chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen ngày 25/4, rồi đến lượt ngoại trưởng Ba Lan ngày 26/4.

Cuộc chiến tranh ở Ukraine là phần không thể thiếu trong bài phát biểu của các nhà lãnh đạo nói trên, vừa ve vãn lôi kéo, vừa gây áp lực với New Delhi.

Nguyên thủ Mỹ nói: "Tôi rất hoan nghênh việc Ấn Độ viện trợ nhân đạo cho Ukraine - quốc gia đang phải hứng chịu những đợt tấn công kinh hoàng, trong đó có vụ đánh bom tại nhà ga vào tuần trước khiến hàng chục phụ nữ, trẻ em và thường dân vô tội thiệt mạng. Mỹ và Ấn Độ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và tham vấn về cách kiểm soát những tác động gây bất ổn từ cuộc chiến Nga-Ukraine. Điều này bảo đảm mối quan hệ tiếp tục phát triển sâu rộng hơn, mang lại lợi ích cho người dân của hai nước và toàn cầu. Tất cả chúng ta đều cố gắng kiểm soát (khủng hoảng), và vai trò của Ấn Độ rất quan trọng đối với thế giới."

Về phần mình, Ấn Độ cho biết tình hình ở Ukraine là “đáng lo ngại,” đồng thời kêu gọi cả hai bên đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chọn giữ im lặng, bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, từ chối giảm bớt quan hệ song phương với Nga.

CNN nhận định: “Ấn Độ đã dạy cho phương Tây một bài học về ngoại giao.” Vị trí của nước này ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế khi Mỹ coi Ấn Độ là một “đối tác” cần "chăm sóc" để chống lại Trung Quốc - mối đe dọa tiềm tàng với hòa bình thế giới, thậm chí còn lớn hơn cả Nga.

Cùng chung một kẻ thù

Cả Washington và New Delhi đều “khó chịu” trước sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc (về hải quân, vũ khí chiến đấu công nghệ cao, vũ khí hạt nhân) hay mạng lưới ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu mà Bắc Kinh đang xây dựng. Điều này thể hiện rõ trong cuộc họp Mỹ-Ấn ngày 11/4.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo Trung Quốc đang tìm cách “thiết lập lại khu vực và hệ thống quốc tế,” đồng thời cho biết Mỹ và Ấn Độ cùng nhau mở rộng phạm vi hoạt động quân sự chung.

Ấn Độ cũng có mối lo riêng về Trung Quốc khi cả hai có chung 3.488km đường biên giới.

Cuộc xung đột quân sự dọc biên giới chung trên dãy Himalaya đã cướp đi sinh mạng của không ít người trong vài năm qua, đặc biệt là vào năm 2020, gần 100 binh sỹ Ấn Độ đã bỏ mạng tại thung lũng Galwan - có diện tích rộng bằng nước Thụy Sĩ, nơi Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1962.

Phương Tây chỉ trích Trung Quốc nhưng im lặng với Ấn Độ

Mối lo về Trung Quốc giải thích tại sao phương Tây mạnh mẽ chỉ trích sự im lặng của Bắc Kinh đối với hành động xâm lược của Nga ở Ukraine nhưng lại không "lớn tiếng" với New Delhi.

Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc dường như có chung quan điểm về cuộc chiến ở Ukraine. Cả hai đều tự nhận là trung lập và chọn thế “tọa sơn quan hổ đấu.”

Cả hai đều kêu gọi hòa bình và từ chối lên án cuộc xâm lược. Hơn nữa, cả hai có mối quan hệ chiến lược với Nga và không muốn tạo hiềm khích với Nga.

Chuyên gia Manoj Kewalramani, làm việc tại Viện nghiên cứu Takshashila, cho rằng những điểm tương đồng này chỉ là bề nổi. Thực ra, phản ứng của Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều khác biệt.

Trung Quốc lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt, đổ lỗi cho Mỹ và NATO gây ra cuộc khủng hoảng.

Truyền thông của Bắc Kinh đưa thông tin sai lệch, ủng hộ các luận điểm của Moskva. Trong khi đó, Ấn Độ tránh đề cập đến vai trò của NATO và muốn giảm thiểu sự khác biệt lập trường với Mỹ.

Thủ tướng Modi đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy, trong khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thì không.

Ấn Độ cũng tỏ ra gay gắt hơn với những cáo buộc tội ác chiến tranh nhắm vào Nga. Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc cho rằng thảm sát ở Bucha là “đáng lo ngại” và kêu gọi mở cuộc điều tra. Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc kêu gọi các bên tránh đổ lỗi vô căn cứ.

Quan hệ Mỹ-Ấn phức tạp

Theo CNN, Mỹ nhận thấy rằng quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đi theo một chiều hướng khác phương Tây.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lưu ý rằng quan hệ này “đã phát triển trong nhiều thập kỷ, vào thời điểm Mỹ không thể là đối tác của Ấn Độ,” ám chỉ thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, dù Ấn Độ không chính thức tham gia.

Vào những năm 1970, Ấn Độ bắt đầu ngả về Liên Xô khi Mỹ bắt đầu hỗ trợ quân sự và tài chính cho Pakistan, nước láng giềng của Ấn Độ. Đây cũng chính là thời điểm Liên Xô bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ấn Độ.

Cho đến nay, quốc gia này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Nga về thiết bị quân sự (50% vũ khí nhập khẩu từ Nga). Mặc dù Mỹ đã tăng cường hợp tác với Ấn Độ về an ninh và quân sự trong khuông khổ Bộ tứ (gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ), nhưng lại thua Nga khi Ấn Độ dùng vũ khí của Nga trong xung đột với Trung Quốc ở Himalaya.

Năm 2018, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỷ USD với Nga, mua một hệ thống tên lửa phòng không, bất chấp thỏa thuận này có thể khiến New Delhi lãnh trừng phạt của Washington (theo một đạo luật trừng phạt đối thủ mà Mỹ đã áp dụng đối với Iran, Nga và Triều Tiên).

Do phụ thuộc vào vũ khí của Nga, Ấn Độ không dám lên tiếng tố cáo hành động xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin - người mà Thủ tướng Modi nhận là người bạn thân “đáng mến” (trong chuyến thăm của Putin tới Ấn Độ tháng 12/2021).

Ngày 23/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ không ngần ngại nói rằng Ấn Độ muốn xây dựng tình hữu nghị với các nước phương Tây, nhưng cần một đối tác mạnh như Nga để bảo vệ đường biên giới và 1,3 tỷ dân của mình.

Theo tạp chí Foreign Policy, trong bối cảnh căng thẳng Ấn-Trung vẫn "rực lửa," Ấn Độ nhận thấy tầm quan trọng của Nga - nước không những sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, mà mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc còn có thể giúp New Delhi kiềm chế Bắc Kinh, hoặc Moskva có thể đứng ra làm trung gian hòa giải.

Thế trung lập của Ấn Độ

Tất cả những hành xử của Ấn Độ khiến quốc gia này nhận được sự ủng hộ từ tất cả các phe. Moskva vẫn muốn quan hệ với New Delhi và vẫn muốn bán dầu với giá thấp cho Ấn Độ.

Ngày 1/4/2022, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp người đồng cấp ở New Delhi và hoan nghênh Ấn Độ không nhìn cuộc chiến Ukraine “một cách phiến diện.”

Ông nói: "Mối quan hệ của chúng ta vẫn bền vững dù trải qua nhiều thời kỳ khó khăn trong quá khứ. Tôi không nghi ngờ về việc hai bên tôn trọng lẫn nhau và tìm kiếm sự cân bằng lợi ích - điều sẽ chiếm ưu thế trong quan hệ của hai nước trong tương lai."

Quan hệ của Ấn Độ với phương Tây ngày càng khăng khít kể từ khi Modi đắc cử năm 2014. Giao thương giữa Ấn Độ và Mỹ hàng năm đạt 110 tỷ USD, trong khi đó với Nga chỉ đạt 8 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng trở thành khách hàng lớn mua các thiết bị quân sự của Mỹ. Ấn Độ cũng không muốn bị coi là đối tác nhỏ bé của phương Tây và tin rằng phương Tây cần mình hơn.

Chính quyền New Delhi luôn nhắc nhở phương Tây rằng dù sao Ấn Độ cũng có Nga là đồng minh. Qua cuộc chiến Ukraine, Ấn Độ nhận ra rằng phương Tây có thể thực hiện các cam kết đưa ra để giúp Kiev. Do vậy, sự ủng hộ của phương Tây rất quan trọng nếu xung đột Trung-Ấn xảy ra.

Tuy nhiên, theo Foreign Policy, "canh bạc" trung lập, "bắt cá hai tay" của Ấn Độ chỉ có thể mang lại lợi ích cho nước này trong ngắn hạn.

Nếu tiếp tục nghiêng về phía Nga, đồng thời duy trì quan hệ với phương Tây, Ấn Độ sẽ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cả hai nếu New Delhi rơi vào tình thế khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục