Mới "diệt phần ngọn”

Tội phạm 9x: Phạt tù mới chỉ là "diệt phần ngọn”

Vụ việc My "sói" đang gióng hồi chuông báo động về mức độ nghiêm trọng, khó lường của tội phạm tuổi teen trong xã hội hiện đại.
Mới đầu giờ sáng ngày 9/6, từ ngoài cổng Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đến trong phòng xét xử đã đông nghịt người, gần như không còn chỗ trống.

Đông đảo người dân đã đến để theo dõi phiên tòa xét xử  băng đảng do nữ quái tuổi teen My "sói" cầm đầu chuyên "săn" nữ sinh trên mạng, hiếp dâm, tống tiền, cướp tài sản.
Theo cơ quan công tố và các chuyên gia tâm lý, vụ án này gióng lên hồi chuông báo động về sự gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng, khó lường của tội phạm tuổi teen trong xã hội hiện đại.

Phạt tù chỉ mới diệt... “phần ngọn”

Dù đứng cúi mặt, khép nép trước vành móng ngựa, các bị cáo lứa tuổi 9x vẫn khiến những người đến dự phiên tòa e ngại đến mức “nổi da gà” vì "thành tích" về các vụ án tày trời và hết sức man rợ.

Theo cáo trạng, 8 đối tượng trong băng đảng My “sói” bị truy tố ba tội danh “hiếp dâm”, “hiếp dâm trẻ em”, “cướp tài sản.”

Theo cơ quan điều tra, để có tiền tiêu xài, ăn chơi, dù mới 14 tuổi nhưng My “sói” và đồng bọn đã gây ra 5 vụ án liên tiếp trong 5 ngày. Nạn nhân là một cô gái 15 tuổi do làm quen trên mạng và có cả người quen, bạn học cùng trường của My "sói".

Có mặt khá muộn tại phiên tòa, Cao Thị Thu - mẹ đẻ của My “sói” khiến mọi người "lắc đầu, chậc lưỡi" trước bề ngoài và tuổi đời còn quá trẻ, so với con gái đứng trên vành móng ngựa, chẳng khác nào chị em.  Có lẽ vì “sợ bị chụp ảnh lên báo" nên trong suốt phiên xử, Thu ngồi cúi đầu, im lặng, khuôn mặt bịt kín khiến phóng viên không thể nào tiếp cận được.

Kết thúc buổi xử án của ngày đầu tiên, ông Nguyễn Ngọc Huân, Chủ tọa phiên tòa đã có nhận định nhanh với phóng viên Vietnam+: “Hiện tại, phiên tòa vẫn đang trong quá trình xét xử, không thể đưa ra một nhận định cụ thể nào. Nhưng đây là phiên tòa mà bị cáo tuổi quá trẻ, song mức độ nghiêm trọng, hội đồng xử án sẽ xem xét và cân nhắc để đưa ra mức án hợp lý và có tính răn đe.”

Một vị khác trong Hội đồng xét xử thì bộc lộ: “Với các bị cáo trong phiên xử này, chúng tôi rất buồn phiền, lo ngại, càng không thể ngờ những đứa trẻ tuổi đời còn quá ít lại gây ra những vụ việc nguy hiểm và tàn nhẫn đến như vậy...”

Thượng tá Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Công an quận Đống Đa, đơn vị trực tiếp phá vụ án này, nói với phóng viên Vietnam+ rằng hiện nay, những vụ án do tội phạm tuổi teen đang gia tăng, ngày càng khó lường và diễn biến phức tạp.

“Trước sự gia tăng và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm tuổi teen, cần thiết phải có sự chung tay của cả xã hội. Vành móng ngựa, mức án xét xử theo khung phạt của luật pháp và quản giáo ở nhà tù  cũng chỉ là giải pháp chặt đứt  'phần ngọn' của mầm cây non đã bị sâu mục trong gốc lõi.

Các cơ quan chức năng cần gia tăng, siết chặt quản lý những 'điểm gốc' tạo thành môi trường phạm tội của các đối tượng như quán Internet, vũ trường, nhà nghỉ, quán karaoke, điểm bán lẻ ma túy tổng hợp... Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần quản lý con em mình chặt chẽ về thời gian," ông Thành tâm huyết.

Kỹ năng sống chưa đủ

Qua quá trình đấu tranh phá án, cơ quan điều tra cho rằng những vụ việc do các đối tượng tuổi 9x gây ra đang báo động về một xu hướng nghiêm trọng có thực trong thực tế.

Không riêng gì vụ án của băng đảng My “sói,” những đối tượng tội phạm tuổi teen thường có động cơ và hình thức nghiêm trọng, không thể ngờ tới.

Theo ông Thành, không như những loại tội phạm khác, các đối tượng tuổi teen gây án không theo "quy luật truyền thống" nên khó khăn trong việc phát hiện, dự đoán và phòng ngừa.

Phần lớn các vụ việc, các đối tượng gây án không còn xuất phát từ những nguyên nhân như hoàn cảnh nghèo khổ, gia đình túng bấn, không hạnh phúc, lịch sử phạm tội có tiền án tiền sự...

Qua điều tra, đấu tranh phân loại tâm lý tội phạm, các đối tượng thường gây án một cách bất thường do tâm lý chi phối, bộc phát khiến cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường lẫn các chuyên gia tâm lý bất ngờ và không thể lý giải.

Ông Thành lấy dẫn chứng, nhiều vụ án cướp giật tài sản, sử dụng ma túy, thuốc lắc mà đối tượng lại là những sinh viên học rất giỏi, gương mặt khôi ngô, gia đình gia giáo hoặc những nữ sinh hiền lành, chất phác từ quê ra thành phố học những năm đầu trường đại học.

Về phía các chuyên ga tâm lý, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội, ông Đặng Trần Tính, cũng lý giải: “Một trong những nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của việc gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng của tội phạm tuổi teen do bị bỏ qua phương pháp giáo dục, định hướng giá trị sống.

"Những giá trị nhân văn, truyền thống sẽ giúp các em có nhận thức đúng đắn và tự biết giữ lập trường, bảo vệ bản thân một cách hài hòa, lành mạnh trong gia đình và cộng đồng.

"Trên thực tế, nhà trường, gia đình và xã hội đang lựa chọn cách giáo dục các em về kỹ năng sống, trong khi những kỹ năng này bị lệch pha với sự nhận thức chân giá trị. Những kỹ năng này không xuất phát tự sự nhận thức cốt lõi nên không đủ trở thành phương pháp giúp các em ứng xử đúng đắn.”

Ông Tính cho biết thêm: “Hiện chúng tôi đang thí điểm, áp dụng phương pháp giáo dục giá trị sống cho trẻ em ngay từ lớp mẫu giáo. Gia đình và nhà trường cũng phải thay đổi quan niệm về giáo dục, quản lý con em để tìm ra hương pháp định hướng giáo dục, hiểu tâm lý các em để có sự rằng buộc, tin cậy và chia sẻ hai chiều.”/.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục