Tội phạm có tổ chức - mối đe dọa an ninh thế giới

Liên hợp quốc ngày 17/6 cảnh báo tội phạm có tổ chức đã phát triển trên quy mô toàn cầu và trở thành mối đe dọa an ninh thế giới.
Ngày 17/6, Liên hợp quốc cảnh báo tội phạm có tổ chức đã phát triển trên quy mô toàn cầu và trở thành mối đe dọa an ninh thế giới.

Báo cáo mới của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) nhấn mạnh các tổ chức tội phạm có quy mô quốc tế đã trở thành những trung tâm "quyền lực đen" về kinh tế và vũ trang thông qua việc sử dụng vũ khí, bạo lực cũng như tiền bạc hối lộ để thao túng các cuộc bầu cử, mua chuộc các chính khách và các cơ quan quyền lực.

Các tổ chức tội phạm trên đã thực hiện các hành vi buôn bán ma túy, vũ khí, hàng giả; khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên; buôn bán người và đưa người nhập cư bất hợp pháp; cướp biển và tội phạm mạng...

Giám đốc UNODC, ông Antonio Maria Costa cũng nhấn mạnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đã khẳng định nhu cầu chống lại những tội phạm trên vì chúng tác động đến cả thế giới và trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và phát triển, thậm chí là chủ quyền của các nước.

Báo cáo của UNODC ghi nhận các nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là thị trường lớn nhất thế giới của các hoạt động buôn bán bất hợp pháp mà tội phạm có tổ chức thực hiện. Chỉ riêng nạn buôn người để bóc lột tình dục ở châu Âu đã có đến 140.000 nạn nhân và đã đem lại cho bọn tội phạm nguồn lợi bất chính 3 tỷ USD.

Các tổ chức tội phạm cũng đã đưa lậu 2,5-3 triệu người từ khu vực Mỹ Latin vào Mỹ mỗi năm và thu lợi bất chính 6,6 tỷ USD. Châu Âu là thị trường ma túy lớn nhất khu vực, đem lại cho bọn tội phạm nguồn lợi bất chính tới 20 tỷ USD. Thị trường buôn bán vũ khí thế giới hàng năm lên tới 320 tỷ USD, trong đó hoạt động buôn lậu chiếm tới 20%.

Bọn tội phạm cũng thu lợi bất chính tới 2,5 tỷ USD từ buôn bán gỗ bất hợp pháp từ châu Á sang châu Âu và Trung Quốc. Hơn 1,5 triệu người hàng năm bị ăn cắp các dữ liệu máy tính và bị thiệt hại kinh tế 1 tỷ USD.

Buôn bán hàng giả bất hợp pháp ở các đường biên giới châu Âu hàng năm cũng lên tới 10 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục