Tội phạm kinh tế và chức vụ có dấu hiệu gia tăng

Theo đại diện của công an Hà Nội, trong quý III năm 2011, trên địa bàn đã phát hiện 580 vụ liên quan đến tội phạm kinh tế và chức vụ.
Theo đại diện của công an Thành phố Hà Nội, trong quý III/2011, tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả có dấu hiệu gia tăng. So với quý II, số vụ án được cơ quan này phát hiện và xử lý đã tăng đến 35,4%. Đáng chú ý, trong 3 tháng vừa qua, trên địa bàn thành phố cũng xảy ra nhiều vụ vỡ nợ “tín dụng đen,” có vụ giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế và chức vụ, trong quý III, công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 580 vụ (tăng 35,4% so với quý II); xử lý 651 đối tượng, thu về cho ngân sách Nhà nước 81 tỷ đồng. Số tiền thu cho bị hại cũng lên tới hơn 170 tỷ đồng. Số tiền và hàng hóa bị tạm giữ trị giá 34 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khởi tố 59 vụ án cùng 79 bị can có liên quan, trong đó có 13 vụ và 34 cá nhân phạm các tội về tham nhũng. Cũng trong quý III, công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện 1.390 vụ phạm pháp hình sự, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2010. Trong số này, có 76 vụ trọng án, giảm 14 vụ so với quý II, nhưng lại tăng 5 vụ tương đương 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong số gần 1.400 vụ án liên quan đến tội phạm hình sự, cơ quan chức năng đã khám phá 1.032 vụ, bắt giữ 1.765 đối tượng (đạt tỷ lệ 74,2%).   Mặc dù vậy, theo đại diện công an thành phố, trong 3 tháng vừa qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự vẫn nổi cộm lên một số vấn đề cơ bản. Điển hình nhất là số vụ tội phạm giết người có dấu hiệu tăng mạnh so với quý II (24/14 vụ). Đáng chú ý, trong số 10 vụ giết người có đến 4 vụ do các đối tượng tâm thần thực hiện, 3 vụ do mâu thuẫn gia đình con giết bố, chú giết cháu. Bên cạnh đó, hoạt động của tội phạm côn đồ, hung hãn, chống người thi hành công vụ cố ý gây thương tích cũng tăng so với quý II với 54 vụ (tăng 22,7%). Các băng nhóm tội phạm lưu manh côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí thanh toán trả thù nhau diễn biến phức tạp; hành vi gây án manh động theo kiểu xã hội đen gây bức xúc trong dư luận. Nhiều vụ xuất phát từ mâu thuẫn trong sinh hoạt hoặc làm ăn kinh tế dẫn đến các vụ bắt giữ người trái pháp luật, siết nợ, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn. Tình hình đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí nóng để gây án chỉ vì mâu thuẫn nhỏ do va chạm giao thông cũng có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sẵn sàng dùng súng bắn uy hiếp gây thương tích nạn nhân. Về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, trong quý III, công an thành phố đã phát hiện và xử lý 869 vụ, 1.008 đối tượng (tăng 330 vụ so với quý II). Tình trạng vi phạm an toàn lao động, không cắm biển báo nguy hiểm trong các khu vực công trường xây dựng, xây dựng không phép diễn ra ở nhiều nơi, điển hình như dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc do công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC làm chủ đầu tư. Trong quý III, công an thành phố cũng đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổng kiểm tra thu hồi và vận động quần chúng nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và bàn giao cho lực lượng quân sự để tiêu hủy. Theo đó, lực lượng chức năng đã thu giữ 5 súng tiểu liên AK, 1 súng K43, 1 súng K54, 60 súng tự chế, 1 quả đạn cối bom mìn, 1 đầu đạn ĐKZ, 3.500 viên đạng các loại, 3.541 kíp nổ, 2.010 hung khí, 17 quả lựu đạn. Riêng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, trong thời gian qua, công an thành phố đã tiến hành rà soát các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, kinh doanh rượu, kinh doanh lưu trú, cầm đồ trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 345 cơ sở vi phạm các quy định, xử lý hình sự 20 vụ, đình chỉ 82 cơ sở, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự 4 cơ sở khác.
Tình hình an ninh thông tin diễn biễn phức tạp

Một trong những vấn đề đáng chú ý trong quý III là tình hình an ninh thông tin tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo thống kê, chỉ trong vòng từ tháng 7 đến cuối tháng 9, cả nước đã xảy ra 178 vụ website Việt Nam bị tin tặc tấn công xâm nhập, trong đó 134 website bị tin tặc nước ngoài tấn công.

Cũng trong thời gian trên, đã có trên 5.000 loại virus tin học mới xuất hiện tại Việt Nam gây lây nhiễm trên 11 triệu lượt máy tính. Nguy hiểm nhất là virus Rammit đã lấy cắp dữ liệu của gần 100.000 máy tính.
Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục