Tôn vinh 80 tác phẩm về đề tài cách mạng và kháng chiến

80 tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao trong số hơn 1.400 tác phẩm về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930-1975 được tôn vinh ngày 18/8, tại Hà Nội.

80 tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930-1975 được tôn vinh ngày 18/8, tại Hà Nội.

Đây là những tác phẩm tham dự Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975 do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Hơn 1.400 tác phẩm được gửi tới tham dự cuộc thi. Các Hội đồng Vòng sơ khảo, Chung khảo đã chấm nhiều vòng theo hình thức bỏ phiếu kín, trên cơ sở chất lượng tác phẩm, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để trao thưởng.

Ban Tổ chức đã trao ba giải A, 13 giải B, 26 giải C và 38 Tặng thưởng. Giải A được trao cho các tác phẩm ở ba lĩnh vực Văn học với tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” của tác giả Trầm Hương; Sân khấu với vở kịch “Nhiệm vụ hoàn thành” của Xuân Đức và Múa với kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” (kịch bản Nguyễn Thị Tuyết Minh, Tổng đạo diễn nghệ sỹ nhân dân Phạm Anh Phương).

Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi, nhà thơ Hữu Thỉnh ghi nhận nhìn chung, chất lượng nội dung các tác phẩm tham dự khá tốt.

Nhiều tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu khai thác mảng đề tài cách mạng và kháng chiến có chiều sâu tâm lý, tính cách nhân vật đặt ra những vấn đề mới về lý tưởng, nhân cách, thân phận con người thuyết phục được người đọc, người xem.

Có nhiều tác phẩm hồi ký ghi lại chân thực, chính xác các sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Nhiều tài liệu lần đầu được công bố, có giá trị lịch sử.

Tuy nhiên, do thời gian tổ chức ngắn, thông tin cuộc thi chưa đến được với các hội viên ở vùng sâu, vùng xa; khá nhiều tác phẩm tham dự chưa được đầu tư có chiều sâu; tác phẩm của các tác giả trẻ còn ít.

Sau hơn một năm phát động (từ tháng 1/2013-6/2014), Cuộc thi được văn nghệ sỹ là hội viên các hội văn học chuyên ngành Trung ương, tỉnh, thành phố tích cực tham gia, hưởng ứng.

Đáng ghi nhận, nhiều tác giả cao tuổi, có vốn sống, gắn bó với cách mạng, kháng chiến cũng gửi tác phẩm tham dự hoặc kể lại dưới dạng hồi ký, hồi ức cho các nhà văn ghi hay cung cấp tư liệu, chuyện kể cho các văn nghệ sỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục