Tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề tại Huế

Sáng 12/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã tổ chức Lễ khai mạc không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề gốm, sơn mài, pháp lam trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2009.

Sáng 12/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã tổ chức Lễ khai mạc không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề gốm, sơn mài, pháp lam trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2009.

Buổi lễ có sự tham gia của 150 nghệ nhân đến từ 15 làng nghề truyền thống nổi tiếng trong cả nước như Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Hạ Thái, Phù Lãng, Phước Tích, Cát Đằng, Thanh Hà, Châu Ổ, La Tháp, Bầu Trúc, Quảng Nam, Thủ Dầu Một, Pháp lam Huế...

Thành phố Huế đã dựng 8 ngôi nhà rường cổ trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, bên dòng sông Hương làm không gian trưng bày sản phẩm, giới thiệu kỹ thuật và quảng diễn các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề và làng nghề truyền thống.

Nhiều sản phẩm được đánh giá cao tại lễ hội như các sản phẩm làm từ sơn mài của làng nghề Hạ Thái; sản phẩm "Làng giữ lửa ngàn năm" và các loại sản phẩm có men rạn của cơ sở sản xuất gốm Bát Tràng. Cơ sở Kiều Lan sản xuất gốm Chăm nghệ thuật đến từ tỉnh Ninh Thuận cũng có nhiều sản phẩm độc đáo trưng bày.

Tại đây, công chúng có thể cùng các nghệ nhân thao tác và sáng tạo, cùng làm ra các sản phẩm để mang về làm kỷ niệm, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến xem, thưởng ngoạn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Phan Trọng Vinh đánh giá, ở phạm vi từng địa phương, những nơi có các nghề và làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như gốm Bầu Trúc (Ninh Thuận), gốm Thanh Hà (Hội An), gốm Châu Ô (Quảng Ngãi), gốm Quảng Đức (Phú Yên), gốm Phước Tích (Thừa Thiên-Huế)... đều nỗ lực để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cũng có một số làng nghề đứng trước nguy cơ bị "xoá sổ".

Việc tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng là dịp để khuyến khích các cơ sở ngành nghề sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước, cũng như khôi phục lại một số ngành nghề truyền thống vốn đã bị mai một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục