Tổng Bí thư: Cán bộ phải gương mẫu, nói phải đi đôi với làm

Ngày 18/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Tây Hồ.
Tổng Bí thư: Cán bộ phải gương mẫu, nói phải đi đôi với làm ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 18/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Tây Hồ.

Tại cuộc tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội đã báo cáo cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sẽ diễn ra từ ngày 20/10-22/11, với trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội; tiến hành giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Nhiều cử tri đã phát biểu bày tỏ tâm tư nguyện vọng và nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Quốc hội.

Đa số cử tri bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, vừa qua đã tạo bước chuyển mới trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đặc biệt là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính, hành động.

Cử tri hoan nghênh kết quả Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) đề cập nhiều vấn đề quan trọng về công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, của dân tộc.

Đa số cử tri cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vừa qua đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, nhưng mới là kết quả bước đầu, hiệu quả chưa cao.

Tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Cử tri nhất trí cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì, kiên quyết, quyết liệt, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, vấn đề kê khai tài sản phải công khai, minh bạch, thực chất, đây là cơ sở đầu tiên để đề cử, bổ nhiệm cán bộ. Việc xử lý tiêu cực, tham nhũng phải nghiêm minh, không có vùng cấm.

Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao việc đầu tư phát triển; chú trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, quan tâm xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cử tri cho rằng, cần giải quyết tận gốc tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, trong đó có vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, không để các phần tử cực đoan, cơ hội, lợi dụng những người thiếu hiểu biết gây mất trật tự trị an, mất niềm tin trong nhân dân.

|Cử tri cho rằng, vừa qua Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, đúng đắn. Tuy nhiên “nói” phải đi đôi với “làm”, phải giữ nghiêm kỷ cương phép nước, không làm mất niềm tin trong nhân dân.

Nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường; vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm…; đề nghị cần có biện pháp tích cực để ngăn chặn, phòng ngừa.

Về vấn đề thu hồi đất nông nghiệp, bên cạnh việc bồi thường giải phóng mặt bằng, cần có chính sách hỗ trợ nông dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống. Việc sử dụng ngân sách nhà nước chưa hợp lý, còn lãng phí thất thoát nhiều.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ của cử tri; trân trọng tiếp thu những ý kiến xác đáng về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, của dân tộc.

Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư nhấn mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu.

Xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn phức tạp, nhạy cảm, nhưng không thể không làm.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ổn định, phát triển đi lên. Trước hết phải có đời sống no đủ thì người dân mới yên tâm được, đất nước có bình yên, ổn định thì mới phát triển, làm ăn được…

Cho nên, phải tính toán rất toàn diện, tổng thể với phương pháp biện chứng, không chỉ thấy một mặt, nếu chỉ thấy toàn ưu điểm phơi phới đi lên thì không chính xác. Nếu chỉ thấy đen tối cái gì cũng xấu thì dẫn đến bi quan…

Nhìn lại có thể thấy, chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, vị thế như ngày nay. Tuy nhiên, trên con đường đi lên tất yếu nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức; khi xem xét vấn đề gì cũng phải đặt trong tổng thể, toàn diện, khách quan, biện chứng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực, là nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Đã có rất nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) vừa rồi lại có nghị quyết về xây dựng Đảng. Nghị quyết chồng nghị quyết, nếu không làm được lại mất lòng tin. Nhưng mỗi lần có trọng tâm riêng, các ngành, các cấp, nhân dân đều thấy cần thiết phải tiếp tục làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng."

Tổng Bí thư cho biết trước đây, chúng ta đã từng có thời kỳ đấu tranh chống tiêu cực, từ những năm chiến tranh, rồi tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ tháng 1/1994 đã nói vấn đề diễn biến hòa bình là một trong bốn nguy cơ mất nước, bây giờ nói đến tự suy thoái, tự chuyển hóa, tự diễn biến.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) tập trung vào một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay: Chống suy thoái, công tác cán bộ, công tác tư tưởng.

Đến Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII), khẳng định phải tiếp tục xây dựng Đảng toàn diện, đồng bộ hơn, với 10 nhóm việc, trọng tâm vẫn là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Nhưng trọng tâm của trọng tâm đó vẫn là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là đưa ra nhận diện thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hóa, biện pháp giải quyết như thế nào.

Tham nhũng là một quốc nạn, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm, có khi còn lớn hơn tham nhũng, lãng phí tiền của, vật chất, thời gian, sức lực,… lãng phí ngân sách của nhà nước và của dân (tiền nào cũng là của dân làm ra).

Con người hư hỏng dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa lúc nào không biết, chỉ trong gang tấc.

Từ chỗ hư hỏng về tư tưởng chính trị, tức là không còn tin Đảng, Mác-Lênin, Bác Hồ, rồi tiếp tay, móc nối với bên ngoài, đồng lõa với phần tử xấu lật đổ chế độ. Nguy hiểm là ở chỗ đó, nguy hiểm khôn lường.

Có những đảng viên có quá trình lâu năm nhưng lại nói ngược quan điểm của Đảng, nói xấu Bác Hồ, nói xấu lãnh tụ, kích động chia rẽ nội bộ, chỉ thấy mặt trái rồi thổi phồng lên.

Thế nên, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Có quyền lực trong tay, mà không chịu sự kiểm soát của dân, của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sẽ dẫn đến hư hỏng.

Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, nhưng nếu tự tung tự tác, quyết định tất, quyết dự án, quyết cán bộ, đề bạt, tranh thủ cuối nhiệm kỳ lại đưa con cháu mình lên, hư hỏng như vậy sẽ mất hết niềm tin.

Ngày xưa, cán bộ nói thì dân nể trọng lắm, từ trong tình cảm, còn bây giờ nói chẳng ai nghe là vì không gương mẫu, vì hư hỏng tiêu cực, nói thế mà lại làm khác thì ai tin?

Tổng Bí thư nhấn mạnh Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi thống nhất rất cao, phân tích sâu sắc. Mừng là quyết tâm rất lớn, nhưng lo là từ quyết tâm biến thành hành động, đi vào cuộc sống, nếu nói mà không làm, nói nhiều làm ít thì càng mất lòng tin.

Cho nên, xây dựng Đảng phải gắn với chống tham nhũng tiêu cực, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị…

Quan trọng nhất là phải hành động, kỷ luật cho nghiêm, dân giám sát, Quốc hội giám sát, rồi các tổ chức đoàn thể, mặt trận cùng giám sát, các cơ chế chằng chịt vào nhau.

Tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư cũng đã trao đổi với cử tri về việc chăm lo kiện toàn bộ máy cơ sở. Trước sự quan tâm của cử tri về một số vấn đề dân sinh bức xúc, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tổng Bí thư cho rằng, trong quá trình phát triển đi lên không tránh khỏi một số vấn đề tiêu cực nảy sinh, nên cần bình tĩnh xử lý giải quyết một cách khoa học, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục