Tổng Bí thư Lê Duẩn “Lòng vẫn đậm tình thương và lẽ phải”

Những điều tâm huyết đồng chí Lê Duẩn nói về con người - tình thương và trách nhiệm cũng là những điều đã được đồng chí thể hiện nhất quán trong cuộc sống của mình.
Tổng Bí thư Lê Duẩn “Lòng vẫn đậm tình thương và lẽ phải” ảnh 1Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Xí nghiệp Chăn nuôi Đồng Nai (1/1980). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn thường nói, con người sống phải lao động, có tình thương và lẽ phải. Đó là đạo lý cuộc sống. Ước mong của đồng chí là xây dựng thành công một xã hội xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân no đủ, hạnh phúc, trong đó có giàu tình thương yêu với nhau.

Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí luôn coi việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người là nhiệm vụ trọng yếu. Đồng chí luôn cho rằng: con người không chỉ sống với miếng cơm manh áo, mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng chí dành nhiều thời gian nghiên cứu về con người, lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam. Đồng chí đã khái quát được một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam là: “Thương nước, thương nhà, thương người, thương mình.”

Theo đồng chí Lê Duẩn, làm cách mạng tư tưởng và văn hóa là nhằm cải tạo lý trí, đồng thời cải tạo cả tình cảm, xây dựng hệ thống lý trí và tình cảm mới. Nói đến xây dựng, bồi dưỡng tình cảm cho con người, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh trước hết giáo dục lòng nhân ái, vì theo đồng chí, “lòng thương người là đạo lý của cuộc sống, là đạo lý làm người,” “cái gốc của đạo đức, của lý luận là lòng nhân ái.” Sức mạnh của người cách mạng là ở lý tưởng của mình, đồng thời còn ở khát vọng về tình thương đối với đồng bào mình, nghĩa là yêu nước phải gắn với thương dân, phải có tình thương và trách nhiệm đối với dân.

Đối với thanh niên, đồng chí Lê Duẩn yêu cầu, phải rèn luyện lối sống nhân nghĩa, biết trân trọng tình thương và lẽ phải. Nói chuyện với các đảng viên trong ngành giáo dục, đồng chí Lê Duẩn nhắc nhở: muốn dạy học sinh nên người thì các thày cô thực sự phải yêu thương con người, “càng yêu con người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu.” Những ý kiến của đồng chí Lê Duẩn về chủ nghĩa nhân đạo của con người Việt Nam trong lịch sử, về tấm gương của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, về lòng từ bi, bác ái của đạo phật thật sâu sắc.

Những điều tâm huyết đồng chí Lê Duẩn nói về con người - tình thương và trách nhiệm cũng là những điều đã được đồng chí thể hiện nhất quán trong cuộc sống của mình. Về trí tuệ, đồng chí từng được mệnh danh là “Ngọn đèn hai trăm nến.” 

Về nhân cách, Lê Duẩn là một tấm gương lớn về lòng tận tụy, trung thành, hy sinh, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí được thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, luôn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, đối mặt với quân thù, bất chấp mọi thử thách khốc liệt của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu, của những năm tháng hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát; nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Về tình cảm, đồng chí là người nhân ái, cởi mở. Đối với nhân dân, với quần chúng, với con người nói chung, đồng chí có sự thông cảm, thương yêu, hòa hợp, có sức thuyết phục và động viên rất lớn. Đối với cán bộ giúp việc, đồng chí có sự gắn bó, chăm sóc tận tình như đối với người thân trong gia đình, luôn trọn nghĩa vẹn tình..

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Duẩn nhiều lần trở lại miền Nam, thăm hỏi và cảm ơn các gia đình đã từng nuôi giấu, bảo vệ đồng chí ở Rạch Giá, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, nội thành Sài Gòn…

Những năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn thường xuyên căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước: "Sống là phải yêu lao động, giàu tình thương và trọng lẽ phải". Trong tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn, ba khái niệm này gắn bó hữu cơ, biện chứng và không thể tách rời. Bởi vì chỉ bằng lao động và thông qua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội mới từng bước xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, làm nảy nở tình thương nước-thương nhà, thương người-thương mình, là tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và nền văn hoá Việt Nam.

Năm 1976, đồng chí về thăm làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị sau nhiều năm xa cách. Đồng chí đến thăm từng nhà, bắt tay các cụ già, ôm hôn các cháu nhỏ. Đồng chí xúc động, không cầm được nước mắt trước cảnh nhà cửa đổ nát, ruộng vườn đồng khô cỏ cháy, làng mạc bị tàn phá tiêu điều… Đồng chí cảm thấy đau buồn trước những đồng bào đã từng có nhiều hy sinh, mất mát trong kháng chiến, nay đất nước đã được giải phóng mà gia đình vẫn chưa đủ cơm ăn, áo mặc…

Hơn 30 năm đồng chí Lê Duẩn đi vào cõi vô cùng, đất nước quê hương đã tiến những bước dài trong sự nghiệp kiến thiết, dựng xây. Vẫn còn đây hình ảnh một con người luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, giản dị, gần gũi, thủy chung son sắt với đồng bào đồng chí. Chính những phẩm chất này đã làm nên nhân cách, tầm vóc và khí phách của đồng chí Lê Duẩn. Đó cũng là giá trị bền vững cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đóng góp vào lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết về ông:

"Đồng bào, đồng chí nhớ anh
Người con của làng nghèo chợ Sãi
Xác xơ mấy túp lều tranh
Nóng bỏng cát đồi Triệu Hải
Bữa cháo, bữa rau, đùm bọc nhau lá rách lá lành
Lòng vẫn đậm tình thương và lẽ phải"
./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục