Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

Tổng Bí thư nhấn mạnh, yêu cầu trước mắt của thực hiện Nghị quyết 4 là để cảnh tỉnh, ngăn chặn, nếu không sửa chữa sẽ xử lý, kỷ luật.
Ngày 1/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII; tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Tại cuộc tiếp xúc, đa số ý kiến cử tri đều đánh giá cao kết quả Kỳ họp vừa qua của Quốc hội, các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao tại các phiên chất vấn, vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, với việc thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Cử tri hoan nghênh việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một việc làm, một bước triển khai cụ thể trong tổng thể các giải pháp về xây dựng Đảng, nếu làm tốt, làm đúng thì chắc chắn tình hình sẽ chuyển biến, đất nước ta sẽ phát triển đi lên.

Cử tri mong muốn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những bộ phận có điều kiện để tham nhũng, trong đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu; đồng thời phải có những chế tài mạnh, xử lý thật nghiêm những hành vi tham nhũng, làm thất thoát tài sản của nhà nước, nhân dân.

Cử tri trông đợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn, sẽ được thực hiện triệt để trong thực tế, để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Có ý kiến cho rằng, một số các đại biểu là tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương còn né tránh, ít phát biểu. Quốc hội đã ban hành nhiều luật, nghị quyết rất hay, rất trúng, nhưng chậm được triển khai vào thực tế cuộc sống do chậm văn bản hướng dẫn thi hành.

Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát hậu chất vấn, giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, nhất là ở các quận, huyện vùng sâu, vùng xa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp chân thành, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng của cử tri, đề cập nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, liên quan đến nhiều cơ chế chính sách, đến hoạt động của Quốc hội và cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương.

Tổng Bí thư trân trọng cảm ơn cử tri đã đánh giá cao kết quả Kỳ họp vừa qua của Quốc hội, bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, từ công tác xây dựng luật pháp, tiến hành chất vấn, giám sát tối cao, đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Không khí dân chủ, công khai, minh bạch của Kỳ họp đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước, với nhiều phiên họp Quốc hội được phát thanh truyền hình trực tiếp, qua đó sự gắn kết giữa Quốc hội với cử tri ngày càng được tăng cường, toàn dân có thể tham gia bàn việc nước. Cách thức tiến hành các phiên họp Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới và thu được nhiều kết quả quan trọng. Tinh thần các Nghị quyết của Trung ương đã phả vào hoạt động của Quốc hội, không khí Hội nghị Trung ương 4 đã lan tỏa trong hệ thống chính trị. Đây là một bước tiến trong quá trình đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử.

Tuy nhiên, dư địa đổi mới hoạt động của Quốc hội còn nhiều. Tổng Bí thư chỉ rõ: Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng đòi hỏi cao hơn, Quốc hội cần tiếp tục cải tiến, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực hoạt động: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước..., nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

Trước sự quan tâm của cử tri về tình trạng nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành nhưng chậm triển khai trong cuộc sống do chưa có văn bản hướng dẫn, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Vừa qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng thể chế hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, nhưng việc thể chế hóa, cụ thể hóa không đơn giản; phải chuẩn bị kỹ, những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thống nhất cao thì mới đưa vào luật, có như vậy luật mới sớm đi vào cuộc sống.

Xung quanh nội dung giám sát, chất vấn - một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội, Tổng Bí thư chỉ rõ: Gần đây, công tác giám sát được cải tiến nhiều, cả tiền giám sát và hậu giám sát, với việc tăng cường thẩm tra, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học tham vấn, phản biện; hậu chất vấn có ra nghị quyết, bảo đảm thực hiện lời hứa trước Quốc hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Một điểm lớn của Nghị quyết Đại hội XI, các nghị quyết Trung ương gần đây và Quốc hội cũng đã thấm và nói rất nhiều lần là: Đã sinh ra cơ quan quyền lực thì phải có kiểm soát quyền lực. Việc thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm lần này là một bước tiến xa, được cán bộ đảng viên, nhân dân rất đồng tình ủng hộ, hoàn hoàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Lần này với Nghị quyết Trung ương 4, Đảng đã quyết định hàng năm lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời giao Quốc hội nghiên cứu chuẩn bị cơ chế thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, việc thực hiện không đơn giản, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bảo đảm khách quan, chuẩn xác. Sắp tới sẽ phải có hướng dẫn thực hiện nghị quyết này, có quy trình, quy chế chặt chẽ nhằm răn đe, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện, đây là việc làm cần thiết trong chương trình giám sát.

Trước sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của cử tri về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư chỉ rõ: Nghị quyết Trung ương 4 có ý nghĩa rất hệ trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, không chỉ cho nhiệm kỳ này mà cho lâu dài.

Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng không phải chỉ có tự phê bình và phê bình, mà còn nhiều việc khác, một loạt biện pháp, giải pháp về cơ chế chính sách mới quan trọng; phải có lý có tình, nhằm tất cả cùng tiến lên chứ không phải cốt kỷ luật nhiều mới là tốt, mới là đúng. Yêu cầu trước mắt của việc thực hiện Nghị quyết này là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, nếu không sửa chữa khuyết điểm sẽ xử lý, kỷ luật, trên cơ sở luật pháp, với một tinh thần nhân văn Việt Nam.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, xây dựng con người. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cần phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, kết hợp nhiều biện pháp, không qua loa hình thức... tất cả vì sự trong sạch vững mạnh, vì sự phát triển bền vững, trường tồn của Đảng, của dân tộc.

Về một số vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại của đất nước, Tổng Bí thư khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hiện nay, nước ta đã có quan hệ với khoảng 180 nước, hơn 200 đảng của 114 nước trên thế giới, tăng cường và mở rộng các quan hệ hợp tác, với tinh thần có nhiều bạn bè, thêm bạn bớt thù, tranh thủ mặt tốt, hạn chế tối đa mặt xấu, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước./.

Nguyễn Thị Sự (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục