Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm

Chiều 8/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Hoàn Kiếm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri tại quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 8/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Hoàn Kiếm, thông báo nội dung chương trình Kỳ họp và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Đa số cử tri hoan nghênh nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, với khối lượng công việc lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Cử tri cho rằng, thời gian gần đây nhiều luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đã đi vào thực tế cuộc sống, tuy nhiên cần tăng cường công tác giám sát để kịp thời ngăn chặn những hệ lụy kép phát sinh trong đời sống kinh tế-xã hội đất nước.

Trong điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu không có kế hoạch thì sẽ phát triển sản xuất tràn lan, dẫn đến được mùa mất giá như một số mặt hàng nông sản vừa qua.

Hay việc điều hành giá cả một số mặt hàng thiết yếu, trong đó xăng dầu, đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất; cần tăng cường giám sát, tránh tình trạng giảm hàng trăm nhưng tăng hàng nghìn đồng, giảm giá nhiều lần nhưng không bằng một lần tăng giá.

Cử tri phường Hàng Trống cho rằng, Luật Thống kê sau 12 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập, chất lượng thông tin thống kê chưa đáp ứng yêu cầu, số liệu thống kê không thống nhất, ví dụ như chỉ số tăng trưởng GDP của cả nước là 6-7%, trong khi đa số các địa phương đều ở mức 2 con số.

Việc sửa đổi Luật Thống kê lần này cần bảo đảm tính kịp thời, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống. Cùng với nâng cao chất lượng, cần tăng cường giám sát công tác thống kê; bảo đảm tính độc lập, khách quan trong hoạt động của Tổng cục Thống kê, làm sao để cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, là cơ sở cho việc ban hành các quyết sách của Đảng, Nhà nước.

Cử tri phường Phan Chu Trinh nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thực tế, nông dân Việt Nam đã phát huy truyền thống cần cù, làm nên kỳ tích, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Tuy nhiên, còn nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp chưa được khai thác, phát huy. Cử tri đề nghị, cần sớm khắc phục tình trạng được mùa mất giá, tìm ra khâu đột phá, đưa nông nghiệp bứt phá đi lên.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, cử tri phường Cửa Đông đề nghị, cần tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng chồng chéo, giảm thiểu các khâu trung gian trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Cử tri Phùng Phương Thảo (Phòng Tư pháp, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với việc ban hành Luật ban hành văn bản pháp luật để hợp nhất, thay thế Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân năm 2004 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, tạo sự thống nhất chung; đồng thời sửa đổi bổ sung một số quy định cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập từ thực tiễn.

Về vấn đề đổi mới giáo dục, cử tri Nguyễn Đăng Tuấn, phường Hàng Bông, nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Mỗi đợt cải cách giáo dục là một bước tiến mới trong sự nghiệp giáo dục, góp phần đào tạo nên những lớp người mới phục vụ đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

Cử tri cho rằng, chọn đổi mới thi cử mới chỉ là phần ngọn, còn cái gốc thì chưa tác động tới. Việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới cũng rất quan trọng, nhưng trước đó phải xác định cho được mục tiêu của nền giáo dục.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên là một trong các yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện thành công chương trình và mục tiêu giáo dục. Cải cách giáo dục là chiến lược của Đảng, Nhà nước, song phải làm bài bản, khoa học, không vội vàng.

Đại diện cử tri phường Tràng Tiền, ông Nguyễn Văn Vượng nêu hai vấn đề gồm mức đầu tư xây dựng đường cao tốc hiện nay quá tốn kém và làm thế nào để bảo đảm an toàn giao thông, ngăn chặn, giảm thiểu thương vong vì tai nạn giao thông trong các kỳ nghỉ lễ, Tết…

Phát biểu với đông đảo cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các ý kiến phát biểu của cử tri đều ngắn gọn, thiết thực, cụ thể mà chuyên sâu, tập trung vào nội dung chương trình Kỳ họp Quốc hội, đề cập nhiều vần đề quan trọng của đất nước như cải cách giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, xây dựng luật pháp, giám sát tối cao, đưa luật vào cuộc sống, việc điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế thị trường...

Đây là sự đổi mới đúng hướng của hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian gần đây, phản ánh tâm tư nguyện vọng, đề xuất kiến nghị, đặc biệt là ý kiến đóng góp của cử tri cho hoạt động của Quốc hội, thể hiện tầm trí tuệ của cử tri cao hơn trước; dân chủ ngày càng mở rộng, phát huy, toàn dân tham gia bàn việc nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh bây giờ toàn dân bàn nước, công khai hết cả. Đảng với dân là một, cử tri với Quốc hội cùng bàn việc nước, thế mới là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cử tri cũng cần có trình độ chuyên môn sâu, tùy từng lĩnh vực công tác của mình, đóng góp những ý kiến tâm huyết, xác đáng với Quốc hội.

Tổng Bí thư chỉ rõ xây dựng luật đã khó, tổ chức thực hiện, đưa luật vào cuộc sống càng khó hơn. Luật ban hành rồi, làm sao phổ biến tuyên truyền thế nào để dân hiểu và thực hiện, tránh tình trạng làm sai luật mà không biết. Những ý kiến đóng góp xác đáng của cử tri vào một số dự án luật cụ thể đều được ghi nhận và sẽ tổng hợp, trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.

Về đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư nêu rõ đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau và đã được đưa ra bàn nhiều lần, cho nên phải tiến hành thận trọng, từng bước vững chắc, đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Việc đổi mới tổ chức mô hình chính quyền địa phương phải đáp ứng được yêu cầu có sự giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với Ủy ban Nhân dân cùng cấp; bảo đảm thực hiện nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải chịu sự giám sát của cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra.

Ở đâu có chính quyền, ở đó có cơ quan đại diện của nhân dân. Ở đâu có nhà nước, ở đó phải có sự kiểm tra của Đảng, sự giám sát của nhân dân. Quốc hội giám sát Chính phủ, Hội đồng Nhân dân giám sát Ủy ban Nhân dân. Phải thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Muốn vậy, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo; đại biểu nhân dân phải có năng lực, bản lĩnh mới giám sát được...

Tổng Bí thư chỉ rõ Kỳ họp sắp tới của Quốc hội, thời gian ngắn nhưng khối lượng công việc nhiều. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 11 luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến về 14 dự án luật khác; quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội; đồng thời tiến hành giám sát tối cao, trong đó có giám sát chuyên đề về Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Tổng Bí thư mong muốn cử tri luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng với Quốc hội, giúp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà nhân dân giao phó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục