Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh làm việc tại Đắk Lắk

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên phải phấn đấu thành vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước.
Trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên để tìm hiểu tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, ngày 9/12, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn công tác của Trung ương đã làm việc tại tỉnh Đắk Lắk.

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, việc bảo đảm cho Tây Nguyên phát triển bền vững, lâu dài có ý nghĩa chiến lược của đất nước.

Tổng Bí thư cho rằng dù hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trong tương lai phát huy những tiềm năng và lợi thế, Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên phải phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước.

Theo Tổng Bí thư trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội những năm tới, tỉnh cần phát huy những lợi thế, thế mạnh của mình. Trong đó, tỉnh chú ý đầu tư cho phát triển nhanh các loại cây công nghiệp như càphê, cao su và chăn nuôi đại gia súc, cùng với việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nhân dân.

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh bố trí, sắp xếp lại dân cư, có chính sách hỗ trợ nhằm giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm định cư và làm ăn, sinh sống.

Năm 2010 là năm cả nước tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng. Bên cạnh việc chuẩn bị tốt về văn kiện cho Đại hội, Đảng bộ tỉnh phải chuẩn bị tốt về nhân sự cho các cấp ủy, trong đó chú ý kết hợp tốt các độ tuổi, cơ cấu nam-nữ, tỷ lệ người dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tốc độ tăng GDP hàng năm của tỉnh đạt 12,17% vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 11-12%), trong đó tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng đạt 20,23%, dịch vụ tăng 21,96%, nông-lâm-ngư nghiệp đạt 5,85%.

Thu nhập bình quân năm 2009 ước đạt 13,9 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh đã thu hút đầu tư trong nước 212 dự án với tổng vốn trên 28.000 tỷ đồng chủ yếu vào các lĩnh vực thủy điện, công nghiệp chế biến nông-lâm sản, lâm nghiệp, xay dựng và kinh doanh dịch vụ…

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, toàn tỉnh có 4 dự án đang triển khai thực hiện với tổng vốn đăng ký gần 20 triệu USD.

Về hợp tác đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp của tỉnh đã tiến hành đầu tư về chế biến tinh bột sắn, trồng cây cao su ở Lào và Campuchia.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư cũng đã đến thăm Ban Chỉ đạo Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục