Tổng chi y tế mỗi năm chỉ 45 USD một người

Tại cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế, ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam đã thông qua Văn bản thỏa thuận chung về tăng cường hiệu quả viện trợ cho lĩnh vực y tế.

Tại cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế, ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam đã thông qua Văn bản thỏa thuận chung về tăng cường hiệu quả viện trợ cho lĩnh vực y tế.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Năm 2009, Chính phủ dự kiến chi cho ngành y tế 23.360 tỷ đồng. Hiện nay, tổng chi cho y tế ở Việt Nam khoảng 5-6% GDP và tính theo đầu người khoảng 45 USD/người/năm. Tuy nhiên, chi công chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi y tế, là một tỷ lệ thấp so với các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.

Khó khăn lớn nhất của ngành Y tế Việt Nam hiện nay là vấn đề hoàn thiện chính sách và đầu tư phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Do vậy, Bộ Y tế kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ cho ngành y tế Việt Nam, tập trung vào hai nội dung ưu tiên là chính sách y tế và đầu tư phát triển.

Về chính sách y tế, Bộ Y tế mong muốn cộng đồng quốc tế hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và hoạch định chính sách phát triển ngành y tế. Về đầu tư phát triển, Bộ mong các đối tác sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; đầu tư phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu và phát triển y học công nghệ cao; đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm và khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng mong muốn các đối tác đầu tư phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng và đào tạo nhân tài, trong đó có đầu tư cho hệ thống các trường đại học, trung học, cao đẳng và trung cấp y-dược. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư hỗ trợ phát triển công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ trong lĩnh vực này.

Theo văn bản thỏa thuận chung đã được thông qua, Bộ Y tế và các đối tác (bao gồm 8 nhà tài trợ song phương, 3 tổ chức quốc tế, 4 tổ chức liên hợp quốc và 8 tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam) cam kết: Tăng cường vai trò làm chủ quốc gia đối với quá trình phát triển; Xây dựng quan hệ đối tác có hiệu quả và rộng rãi về phát triển; Cung cấp viện trợ và trách nhiệm giải trình về kết quả phát triển.

Ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam khẳng định: Việc thông qua văn bản này là hết sức đúng lúc, khi mà khó khăn về kinh tế tài chính khiến ngân sách nhà nước trở nên eo hẹp hơn và nhu cầu sử dụng viện trợ một cách hiệu quả hơn là vô cùng quan trọng.

Văn bản hợp tác chung này tự bản thân nó sẽ đưa ra một lộ trình cho việc xây dựng một hệ thống y tế toàn diện, hiện đại và bình đẳng cho Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục