Tổng cục Thuế lên tiếng về đề xuất xóa gần 8.000 tỷ đồng nợ thuế

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, số tiền cơ quan chức năng đề xuất để xóa nợ, chậm nộp và phạt là gần 8.000 tỷ đồng chứ không phải là 15.000 tỷ đồng như một số thông tin gần đây đưa ra.
Tổng cục Thuế lên tiếng về đề xuất xóa gần 8.000 tỷ đồng nợ thuế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, số tiền cơ quan chức năng đề xuất để xóa nợ, chậm nộp và phạt cho người nộp thuế là gần 8.000 tỷ đồng chứ không phải là 15.000 tỷ đồng như một số thông tin đưa ra gần đây.

Theo lý giải vừa được lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tối 10/8, số tiền được Bộ Tài chính đề xuất nhằm xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế là khoảng 7.963 tỷ đồng.

Trong số này, hơn 7.421 tỷ đồng là số nợ, chậm nộp và tiền phạt đề nghị xóa do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014. Ngoài ra, hơn 542 tỷ đồng là tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa được Nhà nước thanh toán.

Theo đại diện cơ quan chức năng, ngoài xóa nợ thuế, đề xuất của cơ quan chức năng cũng đề cập tới việc khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh là 6.731 tỷ đồng.

"Việc khoanh nợ là tạm thời không tính tiền chậm nộp để theo dõi do các đối tượng này gặp khó khăn chứ không phải là xóa nợ," đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Đánh giá về những ý kiến cho rằng, việc xóa và khoanh nợ thuế như trên chỉ hướng tới doanh nghiệp Nhà nước, không đảm bảo công bằng, lãnh đạo ngành thuế cho rằng, điều này "chưa chính xác."

Lãnh đạo ngành thuế nhấn mạnh, đối tượng xóa nợ, khoanh nợ gồm tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế như doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ cá nhân kinh doanh, chứ không chỉ doanh nghhiệp Nhà nước.

Lý giải thêm về các đối tượng được xóa, khoanh nợ, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, theo quy định, một trong các trường hợp được xoá nợ tiền thuế, tiền phạt là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt.

Tuy nhiên, thực tế, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phải ngừng hoạt động hoặc thậm chí giải thể, phá sản nhưng không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục giải thể, phá sản.

Bởi vậy, số nợ thuế đã phát sinh từ trước thời điểm mất khả năng thanh toán bị tính tiền chậm nộp ở mức 0,05%/ngày (18,3%/năm) liên tục tăng thêm trong khi người nộp thuế đã không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc đã giải thể, phá sản.

Ngoài ra, cũng trong thực tế, nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời nhưng vẫn bị tính tiền chậm nộp tiền thuế.

Điều này theo đại diện ngành thuế là thiếu công bằng giữa doanh nghiệp và Nhà nước khi doanh nghiệp nợ thuế thì bị tính tiền chậm nộp nhưng ngân sách chậm thanh toán cho doanh nghiệp thì không bị tính lãi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục