Tổng Giám đốc Qualcomm: Việt Nam Có thể bỏ qua 4G, tiến đến 4,5G

Cho rằng công nghệ đã chín muồi, thiết bị đầu cuối có giá thành hợp lý..., Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương nhận định Việt Nam có thể bỏ qua 4G để tiến lên 4,5G.
Tổng Giám đốc Qualcomm: Việt Nam Có thể bỏ qua 4G, tiến đến 4,5G ảnh 1Tốc độ download dữ liệu của công nghệ 4,5G tối đa lên tới là 600Mbps. (Nguồn: Vietnam+)

Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam diễn ra vào 19/11 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, ông Thiều Phương Nam cho rằng tại thời điểm này, Việt Nam có thể “bỏ qua” công nghệ 4G và đầu tư vào 4,5G.

Theo ông Nam, ở vào thời điểm 4 năm trước, khi 4G mới ra đời, công nghệ tích hợp sóng mang tiến đến 4,5G (hay còn gọi là 4G+) chưa thực sự sẵn sàng. Song, ở thời điểm hiện tại, việc này không còn là trở ngại lớn.

Lãnh đạo của Qualcomm cho biết hiện ở một số quốc gia đã triển khai 4G có xu hướng chuyển sang 4,5G. Nếu như vào tháng ​Một chỉ có 20 mạng chuyển sang 4,5G thì tới tháng Bảy là 73 mạng. Tốc độ cao nhất của 4,5G là 600Mbps.

Trước thông tin Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đưa ra trong khuôn khổ Internet Day 2015 là “trong năm 2016 sẽ cấp phép triển khai mạng di động công nghệ 4G/LTE,” ông Nam nhận định đây là thời điểm thích hợp ở Việt Nam.

Theo lãnh đạo Qualcomm, ở thời điểm này, giá thành của các thiết bị đầu cuối 4G không còn là vấn đề quá cản trở với người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, băng tần dự kiến cho 4G ở Việt Nam là băng tần phổ cập nhất trên thế giới của 4G và hầu hết các thiết bị đều hỗ trợ. Do đó, việc phổ cập của 4G tại Việt Nam sẽ nhanh hơn và nhà mạng khi triển khai có thể có doanh thu sớm hơn so với ở các quốc gia khác.

Ở góc độ khác, ông Nam cũng cho rằng để đẩy mạnh Internet of Things (IoT) thì hạ tầng kết nối không dây băng rộng di động (4G) đóng một vai trò hết sức quan trọng và là thứ “không thể thiếu.” Đơn cử nhất như việc sử dụng Internet để tắt bóng điện, bình nước nóng trong trường hợp ra ngoài nhà quên không tắt…

Đồng tình, đại diện Ericsson cũng cho rằng, kết nối và mạng di động chính là nền tảng cho sự phát triển của IoT và trong đó có ba thách thức lớn nhất là chi phí thiết bị, thời lượng pin sử dụng và vùng phủ cho các kết nối trong nhà.

Vị đại diện này cũng khuyến nghị các nhà khai thác cần chuyển dịch từ vai trò cung cấp kết nối sang cung cấp giá trị, cụ thể là thay vì việc bán SIM và các gói dịch vụ kết nối, cần phải thiết lập những quan hệ trên nền tảng giá trị mang lại cho người dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục