Tổng Giám đốc VietinBank: Sẽ bớt rủi ro tỷ giá với cơ chế mới

Cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn nhiều so với trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ.
Tổng Giám đốc VietinBank: Sẽ bớt rủi ro tỷ giá với cơ chế mới ảnh 1Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ. (Nguồn: VietinBank)

"Với cơ chế điều hành tỷ giá mới, tôi cho rằng cũng có tác động tích cực tới doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và người dân. Nó giúp các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động hơn nhiều so với cơ chế điều hành trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ."

Đó là chia sẻ của ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) về cơ chế điều hành tỷ giá mới vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố.

- Xin ông cho biết cách thức điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ giúp ích như thế nào cho thị trường trong thời điểm hiện nay?

Ông Lê Đức Thọ: Tôi cho rằng việc đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước là bước đi cần thiết đối với thị trường và đối với quá trình hội nhập của Việt Nam. Với cơ chế điều hành tỷ giá lần này sẽ giúp cho tỷ giá có điều kiện phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong nước và thị trường quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ thương mại đầu tư vay và trả nợ với Việt Nam lớn.

Ngoài ra, cơ chế này cũng sẽ linh hoạt theo thị trường trong nước và quốc tế nhưng vẫn bảo đảm được sự ổn định cần thiết để phát triển thị trường một cách bền vững và lành mạnh tại Việt Nam.

Với cơ chế này tôi cho rằng nó sẽ phản ánh tích cực tới các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, người dân giúp cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng sẽ chủ động hơn nhiều so với trước đây trong những thời điểm quyết định các hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ; khuyến khích các thành viên của thị trường có điều kiện áp dụng rộng rãi hơn sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm mua bán kỳ hạn ngoại tệ. Đây cũng là một thông lệ tốt trên thị trường quốc tế, đặc biệt trên thị trường tài chính và các thị trường hàng hóa đang được giao dịch trên thị trường quốc tế.

Vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng với cơ chế này sẽ giúp cho thị trường của chúng ta hoạt động một cách lành mạnh hơn và ngày càng tiệm cận nhanh hơn với thị trường tài chính trên thế giới.

- Thưa ông, đâu là những điểm mới và khác biệt của tỷ giá trung tâm vừa được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ ngày 4/1?

Ông Lê Đức Thọ: Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở 3 yếu tố: diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Rõ ràng nếu 1 trong 3 yếu tố trên biến động hoặc đồng thời cả 3 yếu tố biến động thì sẽ được tính vào tỷ giá trung tâm và được điều hành hàng ngày.

Trước đây mình cũng điều hành theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng, với phương thức này, tỷ giá tương đối ổn định trong một khoảng thời gian nhất định và vào những thời điểm căng thẳng thì sức ép lên tỷ giá rất cao.

Còn nay, thay vì ổn định trong một thời gian nhất định, tỷ giá trung tâm sẽ được tích hợp và công bố hàng ngày để hiểu rằng tỷ giá trung tâm có thể dao động lên xuống tùy theo sự biến động của 3 yếu tố trên và nó cũng phải bảo đảm được mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Cơ chế tỷ giá này linh hoạt theo thị trường trong nước và quốc tế nhưng vẫn đảm bảo sự cần thiết để phát triển thị trường một cách bền vững và lành mạnh của Việt Nam.

- Giả sử Ngân hàng Nhà nước đưa ra tỷ giá trung tâm nhưng lại lệch với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

Ông Lê Đức Thọ: Về nguyên tắc, với cách tính toán như hiện nay thì tỷ giá trung tâm đã được phản ánh những yếu tố cung cầu của thị trường, cả trong nước và thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, liều lượng của nó được phản ánh như thế nào thì lại tùy thuộc vào yếu tố thứ 3 là mục tiêu điều hành của chính sách tiền tệ. Vì vậy, cơ quan điều hành là Ngân hàng Trung ương phải quyết định liều lượng của từng yếu tố như thế nào để bảo đảm được tỷ giá này vẫn phản ánh được cung cầu cần thiết trên thị trường ngoại tệ nhưng vẫn cần thiết có sự ổn định đảm bảo không tạo ra cú sốc cho nền kinh tế. Và đây cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tỷ giá để cho hàng hóa, dịch vụ của chúng ta có thể cạnh tranh tốt nhất trên thị trường quốc tế.

Tổng Giám đốc VietinBank: Sẽ bớt rủi ro tỷ giá với cơ chế mới ảnh 2Tỷ giá trung tâm sẽ được tích hợp và công bố hàng ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Theo ông, với cơ chế mới này có mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay không?

Ông Lê Đức Thọ: Với cơ chế này, tôi cho rằng cũng có tác động tích cực tới doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và người dân của chúng ta. Nó giúp các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động hơn nhiều so với cơ chế điều hành trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ.

Tỷ giá này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu được thực hiện một cơ chế để hàng hóa cạnh tranh tốt nhất trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và các đối tác thương mại cũng điều hành tỷ giá linh hoạt. Chúng tôi tin là sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện nâng cao cạnh tranh bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ và đặc biệt doanh nghiệp ít chịu rủi ro tỷ giá với cơ chế mới này.

- Vậy theo ông, liệu chúng ta có giải quyết được áp lực căng thẳng tỷ giá theo thời điểm như đã từng xảy ra không trước đây không?

Ông Lê Đức Thọ: Trên thực tế, trong ngày đầu tiên vận hành cơ chế này, ở góc độ ngân hàng thương mại chúng tôi thấy rằng tâm lý thị trường đón nhận với tinh thần rất tích cực. Thực tế tỷ giá giao dịch trên thị trường, lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt, tỷ giá trong biên độ Ngân hàng Nhà nước quản lý, thậm chí thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định của cơ chế này.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục