Tổng hợp diễn biến việc điều chỉnh kết cấu đê hữu ngạn sông Hồng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng ý thống nhất với đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu đê bê tông cốt thép đoạn đê hữu ngạn sông Hồng.
Tổng hợp diễn biến việc điều chỉnh kết cấu đê hữu ngạn sông Hồng ảnh 1Ảnh minh họa: Đoạn đường Thanh Niên ,thành phố Hà Nội. (Nguồn: Minh Đông/TTXVN)

Vừa qua, kế hoạch điều chỉnh kết cấu đê hữu ngạn sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương, thành phố Hà Nội đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi đây là tuyến đê cấp đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Hà Nội.

Báo VietnamPlus điểm lại các diễn biến chính của kế hoạch này:

* Ngày 31/10/2016 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công văn số 6251/UBND-KT đề nghị thỏa thuận phương án thiết kế xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương-đường Thanh Niên, kết hợp điểu chỉnh kết cấu đê hữu ngạn sông Hồng đoạn khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

* Đến ngày 8/11/2016, phía Hà Nội gửi kèm theo hồ sơ dự án này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét.

* Sau khi nhận được công văn số 6251/UBND-KT ngày 31/10/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 7/12/2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có văn bản số 10309/BNN-TCLN trả lời và đóng góp ý kiến về vấn đề này.

Trả lời tại văn bản 10309/BNN-TCLN, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng đã thống nhất việc điểu chỉnh kết cấu đê hữu ngạn sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài khoảng 1.100m bằng việc thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chăn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị.

Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng có ý kiến về việc mở rộng cửa khẩu An Dương từ 2 khoang lên 3 khoang, kích thước (2x6+4)m và xây dựng mới 3 cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê hiện có (tại vị trí các ngõ 108; 276 và 310 Nghi Tàm) kích thước 2x4m.

Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng đề xuất điều chỉnh phương án thiết kế cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương-đường Thanh Niên với bề rộng mặt cầu từ 9m lên 10m, chiều dài cầu được điểu chỉnh để nối tiếp phù hợp với mặt đường giao thông trên đê thiết kế.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng khẳng định, đây là tuyến đê cấp đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Hà Nội. Do đó, Bộ đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện phương án thiết kế phải đảm bảo cao trình mặt đê đất sau khi hạ thấp không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình.

Mặt khác, Bộ cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân Hà Nội lựa chọn giải phép kết nối phù hợp mặt cắt với hiện trạng dân cư và công trình hiện có. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc xử lý nối tiếp mặt đê, tường chắn tại vị trí đầu và cuối tuyến công trình, đảm bảo an toàn chống lũ.

Tổng hợp diễn biến việc điều chỉnh kết cấu đê hữu ngạn sông Hồng ảnh 2Ảnh minh họa: Công trình cầu vượt nút giao thông trung tâm quận Long Biên. (Nguồn: Quang Quyết/TTXVN)

* Ngày 24/1/2017, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi công văn số 326/UBND-ĐT đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thỏa thuận phương án thiết kế điều chỉnh kết cấu đê hữu ngạn sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Theo văn bản này, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống nhất phương án cho hạ cao trình mặt đê đến cao độ dương 12,4m như phương án đã đề xuất ngày 31/10/2016.

Theo lý giải Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu.

Phương án thiết kế này tương tự đã áp dụng thực hiện đoạn đê hữu ngạn sông Hồng phía hạ lưu và đến nay vẫn đảm bảo an toàn đê điều, mỹ quan đô thị và thuận lợi tổ chức giao thông.

Mặt khác, theo đại diện Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay, thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu...), các đập thủy điện này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng (đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội).

* Ngày 13/2/2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng phía Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các Hội, các đơn vị liên quan, cùng các chuyên gia đã có cuộc họp trao đổi về phương án thiết kế đê hữu ngạn sông Hồng.

* Ngày hôm qua (14/2/2017), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản số 1356/BNN-TCTL đồng ý về phương án thiết kế điều chỉnh kết cấu đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương, thành phố Hà Nội.

Theo đó, Bộ đồng ý thống nhất với đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu đê bê tông cốt thép đoạn đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, về phương án thiết kế của thành phố Hà Nội đề nghị cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bê tông cốt thép ở cao trình +12,4m. Do đó, Bộ đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị thành phố Hà Nội thực hiện các ý kiến của Bộ tại văn bản số 10309/BNN-TCTL ngày 07/12/2016 về phương án thiết kế xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương-đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, thành phố Hà Nội và nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị, Hội, chuyên gia... tại cuộc họp trao đổi về phương án thiết kế ngày 13/2/2017./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục