Tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải ở 16 tỉnh, thành phố

Kết quả thực hiện các hoạt động thí điểm về hòa giải và đối thoại có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin và bài học thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Luật Hòa giải.

Ngày 11/9, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

[Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo]

Trước đó, ngày 13/8, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Kế hoạch Tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuốc Trung ương nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện thí điểm, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế (nếu có) và nguyên nhân, giải pháp khắc phục; nâng cao nhận thức của các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án về mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu, tham luận, trong đó có những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả từ các địa phương, như: công tác thí điểm hòa giải, đối thoại của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Nghệ An và ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh; kinh nghiệm, cách làm hiệu quả khi đối thoại các khiếu kiện hành chính ở tỉnh Long An...

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết hòa giải, đối thoại thành công giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Kết quả thực hiện các hoạt động thí điểm về hòa giải và đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin và bài học thực tiễn phục vụ cho việc hoạch định chính sách và xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Hiện nay, Tòa án Nhân dân Tối cao đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và trình Quốc hội.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai biểu dương những kết quả đạt được qua gần một năm thực hiện mô hình hòa giải, đối thoại ở 16 tỉnh, thành phố và đề nghị cần tiếp tục phát huy quyền làm chủ, quan tâm đến lợi ích hợp pháp của nhân dân; xây dựng hệ thống tòa án trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là nơi để người dân gửi gắm niềm tin vào công lý, công bằng.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng chính là làm công tác dân vận, vì vậy cần phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục