Tổng tham mưu trưởng Hải quân Italy bị điều tra vì bê bối rác thải

Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Italy, Đô đốc Giuseppe De Giorgi, cũng nằm trong danh sách hàng chục người bị điều tra vì bê bối liên quan đến một khu vực khai thác dầu khí ở miền Nam nước này.
Tổng tham mưu trưởng Hải quân Italy bị điều tra vì bê bối rác thải ảnh 1Đô đốc Giuseppe De Giorgi. (Nguồn: paeseitaliapress.it)

Truyền thông Italy ngày 2/4 đồng loạt đưa tin Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Italy, Đô đốc Giuseppe De Giorgi, cũng nằm trong danh sách hàng chục người bị điều tra vì bê bối liên quan đến một khu vực khai thác dầu khí ở miền Nam nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Roma, các nhật báo hàng đầu Italy La Repubblica và Corriere della Sera cho hay Đô đốc De Giorgi đang bị điều tra vì những cáo buộc đã sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động lên Ban Quản lý cảng Augusta, miền Nam Italy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác dầu mỏ ở vùng Basilicata cho những công ty trong diện "quen biết."

Liên quan vụ việc này có cả bà Federica Guidi, người vừa từ chức Bộ trưởng Phát triển kinh tế Italy, và nhiều người khác. Bà Guidi đã tuyên bố từ nhiệm cuối tháng Ba.

Viện Công tố Potenza của Basilicata hiện có các bằng chứng là những cuốn băng ghi âm và cuộc điều tra về bê bối trong xử lý rác thải ở một khu vực khai thác dầu mỏ tại vùng này được mở rộng theo những hướng mới mà báo chí Italy cho rằng có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính phủ nói riêng và bức tranh chính trị Italy năm 2016 nói chung.

Năm người đã bị bắt trong vụ bê bối rác thải, trong khi hơn 20 người khác là doanh nhân, quan chức chính quyền, sỹ quan quân đội, trong đó có Đô đốc De Giorgi, đang bị điều tra về những tội danh liên quan đến tham nhũng, hối lộ, lạm dụng chức quyền để làm lợi cho các tập đoàn tư nhân có quan hệ riêng với những người này.

Tờ La Republica cho rằng vụ việc này có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Đô đốc De Giorgi, một trong những nhân vật có uy tín nhất trong Hải quân Italy, người đã vạch ra kế hoạch "Mare Nostrum" giúp cứu hàng trăm nghìn người di cư trên Địa Trung Hải trong những năm qua.

Đô đốc De Giorgi hiện sắp mãn hạn quân ngũ và được coi là một ứng viên nặng ký của vị trí lãnh đạo của Cơ quan Cứu hộ quốc gia.

Vụ bê bối này đang gây chấn động dư luận Italy.

Bà Federica Guidi trở thành Bộ trưởng thứ hai của chính phủ Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức vì dính dáng đến xung đột quyền lợi.

Tháng 3/2015, Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng Maurizio Lupi đã phải từ chức sau khi có bằng chứng cho thấy ông đã dùng ảnh hưởng của mình để tác động tới kết quả tốt nghiệp đại của con trai mình.

Một số thứ trưởng các bộ và nhiều quan chức cấp địa phương là thành viên của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền cũng đã bị bắt hoặc điều tra do các cáo buộc tham nhũng.

Vụ việc đã khiến các đảng đối lập gia tăng sức ép đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ với cáo buộc Thủ tướng Renzi và chính phủ của ông chỉ phục vụ lợi ích của giới chủ công nghiệp trong phạm vi "bạn bè."

Theo báo chí Italy, với vụ bê bối của bà Guidi, uy tín của Thủ tướng Renzi, của chính phủ và đảng Pd có nguy cơ bị thách thức lớn trong thời gian tới.

Về phần mình, Thủ tướng Renzi tuyên bố những gì đang xảy ra chỉ là cái cớ để phe đối lập đánh vào uy tín của chính phủ, với mục đích làm cho chính phủ thất bại trong các cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử Hội đồng địa phương quan trọng trong năm 2016.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, uy tín của Thủ tướng Renzi không bị ảnh hưởng nhiều sau các bê bối này.

Theo thăm dò của Viện nghiên cứu IPSOS, uy tín của ông trong tháng Ba tăng 7% so với tháng 9/2015. Tuy nhiên, một thăm dò khác của Viện IXE cho thấy uy tín của đảng Pd cầm quyền trong tuần này đã giảm 0,5% so với tuần trước, xuống còn 34,1%, trong khi các đảng đối lập M5S và Liên đoàn Phương Bắc tăng lần lượt 0,4% và 0,3%. Tuy nhiên, khoảng cách giữa họ với Pd vẫn còn gần 10%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục