Tổng thống Ai Cập bảo vệ các cựu lãnh đạo quân đội

Tổng thống Ai Cập lên tiếng bảo vệ cựu lãnh đạo Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang và cựu Tham mưu trưởng quân đội nước này.
Ngày 18/10, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã lên tiếng bảo vệ cựu lãnh đạo Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF), Thống chế Hussein Tantawi và cựu Tham mưu trưởng quân đội nước này, Tướng Sami Anan, sau khi một tờ báo đưa tin về các cáo buộc tham nhũng đối với hai nhân vật này.

Trước đó, trong số ra ngày 17/10, nhật báo nhà nước Gomhuria đưa tin ông Tantawi và ông Anan bị cấm rời khỏi Ai Cập để nhà chức trách điều tra về các cáo buộc tham những. Tổng biên tập báo này đã bị cách chức ngay trong ngày.

[Ai Cập điều tra tướng Tantawi cùng thành viên SCAF]

Phát biểu tại một buổi huấn luyện của các lực lượng vũ trang ở Sinai, Tổng thống Morsi tuyên bố "bác bỏ hoàn toàn" thông tin nói trên.

Ông Morsi nhấn mạnh: "Với tư cách là Tổng thống và là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tôi hoàn toàn tôn trọng các cựu lãnh đạo cũng như các lãnh đạo hiện nay của quân đội."

Tổng thống Morsi cũng cho biết ông vẫn tiếp xúc và tham khảo ý kiến các ông Tantavi và Anan.

Trước đó, ngày 12/8, Tổng thống Morsi đã quyết định cho hai ông Tantawi và Anan cùng một số tướng lĩnh khác nghỉ hưu sau khi xảy ra vụ tấn công trạm kiểm soát biên giới trên bán đảo Sinai làm 16 binh sỹ thiệt mạng.

Trong tuần này, Bộ Tư pháp đã mở cuộc điều tra về các cáo buộc ông Tantawi và ông Anan đàn áp người biểu tình trong cuộc nổi dậy năm ngoái.

Trong một diễn biến khác, ngày 18/10, Tòa án Kasr El Nile ở thủ đô Cairo đã kết án ba năm tù giam đối với ông El-Sayed El-Badawi, Chủ tịch đảng Wafd đồng thời là Giám đốc điều hành một công ty truyền thông, về tội viết khống hóa đơn cho Hiệp hội bóng đá Ai Cập (EFA).

Nhà tài phiệt Badawi được bầu vào Ủy ban cấp cao của đảng Wafd năm 1989 trước khi lên nắm chức Chủ tịch đảng này vào năm 2010.

Đảng Wafd là một trong những chính đảng có lịch sử lâu đời nhất ở Ai Cập. Sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011, đảng Wafd nổi lên như một lực lượng có ảnh hưởng lớn trên sân khấu chính trị của Ai Cập. Hiện đảng này có một mạng lưới các chi nhánh lớn nhất trong số các chính đảng Ai Cập, bao trùm 24/26 tỉnh thành trên toàn quốc.

Trong bối cảnh tình hình an ninh tại Ai Cập hiện nay vẫn có những diễn biến bất ổn, nhưng đất nước Kim Tự Tháp vẫn là điểm hấp dẫn khách du lịch.

Trong chín tháng đầu năm nay, Ai Cập đã đón 8,8 triệu du khách với tổng doanh thu 6,9 tỷ LE (đồng bảng Ai Cập - tương đương 1,1 tỷ USD). Đây là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp không khói của nước này đã phần nào phục hồi bất chấp sự bất ổn về an ninh và chính trị sau cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Mubarak.

Ai Cập dự kiến đón 12 triệu du khách trong năm nay, vượt xa con số 9,8 triệu du khách với tổng doanh thu 8,8 tỷ LE (1,5 tỷ USD) của năm 2011.

Trước đó, năm 2010, ngành du lịch Ai Cập đã đạt mức kỷ lục đón 14,5 triệu du khách và doanh thu 12,5 tỷ LE (2,05 tỷ USD)./.
 
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục