Abdel Fattah El-Sisi

ttxvntongth-1522743202-91.jpg

Ý chí và nguyện vọng của người dân Ai Cập được thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã đưa đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi chính thức tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Sự ủng hộ của người dân (với 97,08% số phiếu bầu) được coi là thuận lợi vô cùng to lớn đối với nhà lãnh đạo Ai Cập để ông tiếp tục lãnh đạo đất nước trong 4 năm tiếp theo với nhiều thách thức và nhiệm vụ nặng nề.

Có thể nói những thành tựu của ông trong nhiệm kỳ đầu, đặc biệt là về an ninh và kinh tế, đã thực sự thuyết phục đông đảo người dân cũng như hầu hết các phe phái chính trị ở Ai Cập.

Trong bối cảnh một loạt quốc gia trong khu vực từng là nạn nhân của làn sóng Mùa xuân Arab năm 2011, như Libya, Yemen và Syria, vẫn đang chìm trong bất ổn chính trị và an ninh, trong gần 4 năm dưới sự cầm quyền của Tổng thống El-Sisi, Ai Cập đã thoát ra khỏi “bóng ma bạo lực và nội chiến.”

Những thành tựu của ông El-Sisi trong nhiệm kỳ đầu, đặc biệt là về an ninh và kinh tế, đã thực sự thuyết phục đông đảo người dân cũng như hầu hết các phe phái chính trị ở Ai Cập.

Thực sự nhận ra “chân giá trị” của hòa bình và ổn định, người dân Ai Cập đã đặt niềm tin vào ông El-Sisi và chính thể do ông thiết lập, cũng như đồng thuận với các chính sách mà vị cựu Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập đang thực hiện.

(Nguồn: AFP)
(Nguồn: AFP)

Các chính sách ưu tiên của Tổng thống El-Sisi trong nhiệm kỳ tới, sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 6/2018, chắc chắn sẽ tập trung vào thúc đẩy, nhân rộng hơn nữa những thành quả đã đạt được nhằm giải quyết hiệu quả những thách thức trước mắt khi tình hình trong nước và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp.

Bảo đảm an ninh và ổn định trong nước là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách đối nội, bởi mối đe dọa nghiêm trọng từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với Ai Cập hiện nay.

Bất chấp các biện pháp an ninh mà chính phủ đã triển khai, trong đó có Chiến dịch Sinai khởi động từ tháng 2 vừa qua, với sự tham gia của tất cả các lực lượng hải, lục, không quân, cùng lực lượng cảnh sát và biên phòng nhằm truy quét khủng bố ở miền Bắc và Trung bán đảo Sinai, quốc gia Bắc Phi này vẫn đang đối mặt với mối đe dọa từ 6-7 tổ chức khủng bố khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất là nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng chi nhánh Sinai và nhóm Hasm, được xác định là nhánh vũ trang của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vốn bị cấm hoạt động tại Ai Cập.

Các phần tử khủng bố đã mở rộng mục tiêu tấn công tới tất cả các đối tượng và thành phần trong xã hội hòng gây mất ổn định tình hình.

Các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống buộc chính quyền Tổng thống El-Sissi phải không ngừng nâng cao năng lực quốc phòng để ứng phó.

Trong năm 2017, Ai Cập đã hứng chịu nhiều vụ tấn công đẫm máu do IS thực hiện nhằm vào các lực lượng an ninh, cộng đồng Cơ đốc giáo và người Hồi giáo. Gây chấn động nhất là vụ tấn công ngày 24/11/2017, khoảng 25-30 phần tử khủng bố kích hoạt các thiết bị nổ tự chế, sau đó nã đạn vào đám đông gồm hàng trăm người đang tham gia buổi cầu nguyện tại đền thờ Hồi giáo Rawdah ở ngoại ô thành phố Al Arish thuộc tỉnh Bắc Sinai, khiến hơn 300 người thiệt mạng và hơn 120 người khác bị thương, trở thành vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Ai Cập.

Các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống buộc chính quyền Tổng thống El-Sissi phải không ngừng nâng cao năng lực quốc phòng để ứng phó. Tổng thống El-Sisi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch truy quét khủng bố, nhất là IS và một số mạng lưới của MB, trên khắp đất nước.

Ngoài biện pháp quân sự, các giải pháp từ tuyên truyền giáo dục chống tư tưởng cực đoan tới ngăn chặn nguồn tài trợ khủng bố… cũng được đẩy mạnh.

 Binh sỹ Ai Cập tuần tra tại Bir al-Abed, Bắc Sinai. (Nguồn: THX/TTXVN)
 Binh sỹ Ai Cập tuần tra tại Bir al-Abed, Bắc Sinai. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ai Cập cũng cần sự phối hợp chặt chẽ ở cấp độ khu vực và quốc tế, đoàn kết các nước trong cuộc chiến chung chống khủng bố. Việc duy trì an ninh tại khu vực biên giới phía Tây giáp với Libya cũng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi Ai Cập tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn sự xâm nhập của các tay súng cũng như nạn buôn lậu vũ khí từ quốc gia láng giềng bất ổn Libya.

Ngoài ra, Ai Cập cũng tiếp tục các chiến dịch an ninh nhằm ngăn chặn nạn di cư, buôn người và vượt biên trái phép. Đây được coi là các thách thức phi truyền thống đối với Ai Cập khi đất nước Kim tự tháp đã trở thành “điểm khởi hành mới” của dòng người di cư sang châu Âu qua Địa Trung Hải.

Hồi phục kinh tế cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém bởi kinh tế Ai Cập vẫn chưa thực sự lấy được đà tăng trưởng ổn định.

Cùng với bảo đảm an ninh, hồi phục kinh tế cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém bởi kinh tế Ai Cập vẫn chưa thực sự lấy được đà tăng trưởng ổn định.

Phải thừa nhận trong nhiệm kỳ qua các cải cách kinh tế của Tổng thống El-Sisi bước đầu đã phát huy hiệu quả. Một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như du lịch, khai thác kênh đào Suez, xuất khẩu, dầu khí… đang trên đà phục hồi tích cực.

Với dự trữ ngoại hối dồi dào, lên mức kỷ lục hơn 42 tỷ USD, các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại thị trường Ai Cập không còn lo khó chuyển lợi nhuận về nước.

An ninh ngày càng được củng cố cùng với luật đầu tư mới và các chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn đang thu hút giới đầu tư quốc tế và du khách nước ngoài trở lại Ai Cập. Tuy nhiên, nợ nước ngoài cũng liên tục tăng, lên 80,8 tỷ USD vào cuối năm 2017.

Để đảm bảo vốn cho các dự án phát triển, Ai Cập đã phải vay hàng tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức tài chính cũng như các nhà cho vay quốc tế, đổi lại, phải thực thi các chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” khiến cuộc sống của một bộ phận người dân rất khó khăn.

Nhiệm kỳ tới, Tổng thống El-Sisi chắc chắn sẽ tính đến các giải pháp đồng bộ dựa trên những thành tựu cũng như bài học rút ra từ nhiệm kỳ đầu, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội. Lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao nếu không sớm được giải quyết sẽ có nguy cơ cao dẫn đến bất ổn xã hội. Bởi vậy, các chính sách an sinh xã hội, vấn đề tạo việc làm và giảm lạm phát sẽ là ưu tiên trong điều hành kinh tế của ông El-Sisi.

Poster có hình ảnh Tổng thống El-Sisi được treo tại một khu phố chợ ở Cairo. (Nguồn: AFP)
Poster có hình ảnh Tổng thống El-Sisi được treo tại một khu phố chợ ở Cairo. (Nguồn: AFP)

Theo đánh giá, Ai Cập hiện cần khoảng 700.000 việc làm mỗi năm và nhu cầu này chỉ có thể được giải quyết nếu khu vực tư nhân được thúc đẩy trở thành cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế. Song song với các cải cách kinh tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, chính quyền Ai Cập cần chú trọng tới một loạt ưu tiên khác như nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân, cải thiện năng lực quản lý, điều hành cũng như chống tham nhũng trong khối doanh nghiệp nhà nước, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và đất của doanh nghiệp, tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất các hàng hóa có giá trị gia tăng cao và đẩy mạnh xuất khẩu, vốn kim ngạch mới chỉ đạt khoảng 20 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, an ninh nguồn nước cũng là vấn đề sống còn đối với Ai Cập, đất nước với hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc hiện phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước sông Nile. Tổng thống El-Sisi phải giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến đập thủy điện Đại phục hưng của Ethiopia trên nhánh Nile Xanh.

Chính quyền Tổng thống El-Sisi vẫn sẽ triển khai toàn diện chính sách đối ngoại tự chủ, đa dạng hóa các mối quan hệ.

Về đối ngoại, chính quyền Tổng thống El-Sisi vẫn sẽ triển khai toàn diện chính sách đối ngoại tự chủ, đa dạng hóa các mối quan hệ. Trong khi đẩy mạnh mối quan hệ đặc biệt với các nước đồng minh khu vực như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Cairo không ngừng tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước có tiềm năng kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, củng cố vai trò và vị thế của Cairo trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời triển khai chính sách Hướng Đông nhằm đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Hiện Ai Cập đang giữ vai trò trung tâm của tiến trình ngoại giao Trung Đông, với việc chủ động thúc đẩy các sáng kiến giải quyết xung đột Palestine-Israel.

Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ đầu, đặc biệt là về chống khủng bố, khôi phục an ninh và vực dậy nền kinh tế, đang tạo nền tảng vững chãi để ông El-Sisi tiếp tục theo đuổi các chính sách của mình và “chèo lái” con thuyền đất nước vượt qua mọi sóng gió.

Tuy nhiên, kỳ vọng lớn của người dân cũng khiến sứ mệnh của ông với đất nước Kim tự tháp càng nặng nề hơn, buộc nhà lãnh đạo Ai Cập phải có những chính sách phù hợp cùng giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.