Ngày 22/3, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khẳng định "sẽ không bao giờ từ chức", đồng thời tố cáo cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này là một âm mưu đảo chính chống lại nền dân chủ.
Tổng thống Rousseff cáo buộc âm mưu đưa bà ra xét xử tại một tòa án chính trị ở Quốc hội nhằm phế truất bà là một âm mưu đảo chính. Bà nhấn mạnh Hiến pháp Brazil cho phép tiến hành xét xử một tổng thống chỉ khi có bằng chứng phạm tội rõ ràng, do đó, trong trường hợp không có bằng chứng, việc bắt ép tổng thống từ chức là một hành động đảo chính chống lại nền dân chủ.
Đây là lần đầu tiên bà Rousseff đưa ra những tuyên bố cứng rắn kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha thúc đẩy việc đưa tổng thống ra xét xử vì những cáo buộc chính phủ đã “làm đẹp” các con số thống kê về tình trạng ngân sách năm 2014.
Một ủy ban đặc biệt tại Hạ viện Brazil đang tiến hành xem xét những thủ tục pháp lý cần thiết để có thể đưa ra xét xử bà Rousseff.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc Alicia Bárcena cùng ngày đã bày tỏ quan ngại trước những nguy cơ đe dọa nền dân chủ ở Brazil, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với bà Rousseff - vị tổng thống hợp hiến ở quốc gia Nam Mỹ này.
Bà Bárcena cũng đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ cựu Tổng thống Lula da Silva cũng như Tổng thống Rousseff trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đồng thời cho rằng đây là những thành tựu không thể phủ nhận.
Trong một diễn biến có liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil, cùng ngày, Tòa án Tối cao liên bang Brazil đã loại thẩm phán Sergio Moro, người thụ lý vụ tham nhũng khổng lồ tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras khỏi quá trình điều tra, đồng thời cho biết vụ việc sẽ chuyển sang Tòa án Tối cao liên bang.
Thẩm phán Teori Zavascki, người thụ lý vụ này tại Tòa án Tối cao liên bang đã chấp thuận đơn kiện của chính phủ về việc ông Moro đã cho báo chí đăng tải thông tin nghe các cuộc nói chuyện điện thoại giữa Tổng thống Rousseff và ông Lula.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao liên bang vẫn chưa đưa ra quyết định về việc liệu cựu Tổng thống Lula có được nhận chức Chánh văn phòng Nội các hay không mặc dù ông này đã được bà Rousseff bổ nhiệm.
Ông Lula, người tiền nhiệm và cũng là người đỡ đầu bà Rousseff, bị cáo buộc có liên quan tới vụ tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Việc ông Lula, người sáng lập Đảng Lao động (PT) cầm quyền, tham gia thành phần nội các sẽ giúp bà Rousseff củng cố liên minh cầm quyền sau khi có nhiều nguồn tin cho rằng có dấu hiện rạn nứt giữa PT và các đảng tham gia thành lập chính phủ.
Cũng liên quan đến vụ bê bối trên, trong ngày 22/3, cảnh sát liên bang Brazil đã bắt giữ ít nhất 14 lãnh đạo của Tập đoàn cơ khí và xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odebrecht SA để phục vụ điều tra liên quan đến vụ tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Theo đó, cơ quan chức năng đã tìm thấy bằng chứng về việc Odebrecht SA sử dụng cái gọi là phân chia cấu trúc để phối hợp thanh toán các khoản hối lộ một cách hệ thống. Các công tố viên đã cáo buộc Odebrecht SA trả tiền hối lộ cho Petrobras để có được các hợp đồng trị giá hàng triệu USD.
Bê bối tham nhũng tại tập đoàn dầu khí hàng đầu Petrobras bắt đầu bị phanh phui từ tháng 3/2014. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo của Petrobras.
Tính đến nay đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng trong vụ bê bối của Petrobras, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra./.