Tổng thống Chile chỉ trích nạn lạm dụng vũ lực trong trấn áp biểu tình

Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 17/11, Tổng thống Pinera cho rằng đã xảy ra tình trạng sử dụng vũ lực thái quá cũng như các hành vi ngược đãi và các quyền của người dân không được tôn trọng.
Tổng thống Chile chỉ trích nạn lạm dụng vũ lực trong trấn áp biểu tình ảnh 1Cảnh sát được huy động để giải tán người biểu tình ở Santiago, Chile ngày 14/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã lần đầu tiên chỉ trích việc cảnh sát nước này lạm dụng vũ lực trong việc giải quyết tình trạng bất ổn liên quan tới các cuộc biểu tình kéo dài 4 tuần qua.

Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 17/11 đánh dấu một tháng bất ổn nghiêm trọng tại Chile, Tổng thống Pinera cho rằng đã xảy ra tình trạng sử dụng vũ lực thái quá cũng như các hành vi ngược đãi và các quyền của người dân đã không được tôn trọng.

Cơ quan công tố Chile đang điều tra hơn 1.000 vụ nghi lạm dụng vũ lực liên quan tới cả cảnh sát và binh lính. Theo thống kê, đụng độ trong các cuộc biểu tình đã khiến 22 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Tổng thống Chile cũng tuyên bố sẽ trừng phạt những hành vi sai phạm. Chile đã rơi vào khủng hoảng xã hội nghiêm trọng từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm sau đó phát triển thành làn sóng phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội.

[Chile ấn định thời điểm trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới]

Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phong trào biểu tình đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Chile đã khiến nước này phải rút lại việc đăng cai Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2019 và Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25).

Nhằm xoa dịu tình hình, đầu tháng 11 này, chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinera đã tiến hành cải tổ và công bố một loạt biện pháp, trong đó có luật đảm bảo mức lương tối thiểu 467 USD/tháng.

Ngày 15/11 vừa qua, Quốc hội Chile đã bỏ phiếu thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 4/2020 nhằm thay thế bản Hiến pháp cũ, đáp ứng đòi hỏi chính của người biểu tình.

Hiến pháp hiện hành, được chính quyền quân sự của cựu Tổng thống Augusto Pinochet ban hành và có hiệu lực từ năm 1980, đã trải qua nhiều lần sửa đổi.

Tuy nhiên, văn kiện này vẫn không quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ về giáo dục và y tế - hai đòi hỏi của hàng triệu người dân Chile xuống đường tuần hành thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục