Việt Nam luôn cho thấy khả năng tổ chức tuyệt vời của mình không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cả về chất lượng các chương trình và chất lượng đại biểu.
Đó là nhận định của Tổng thống nước Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Bà đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong APEC, cũng như công tác tổ chức của nước chủ nhà cho Tuần lễ Cấp cao APEC, đặc biệt là nội dung các phiên làm việc? Bà có cảm nhận gì về quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam sau 19 năm gia nhập APEC?
Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria: Đây là lần thứ hai tôi tham dự APEC tại Việt Nam, lần trước là vào năm 2006 tại Hà Nội và lần này là tại Đà Nẵng.
Cũng như lần trước, Việt Nam đã cho thấy khả năng tổ chức tuyệt vời của mình không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cả về chất lượng các chương trình làm việc và chất lượng đại biểu. Đây là một trong những thành công lớn cho thấy sự quan tâm đến APEC, đến Việt Nam cũng như khả năng tổ chức của nước chủ nhà. Mặt khác, không chỉ bây giờ mà còn trong suốt cả một năm qua, Việt Nam đã tổ chức tốt các sự kiện của Năm APEC 2017.
Chile đã cùng đồng hành với Việt Nam trong suốt thời gian qua để đảm bảo rằng Hội nghị Cấp cao lần này không chỉ là một cuộc họp có chất lượng cao về công tác tổ chức mà còn ở các kết quả dự kiến sẽ đạt được. Tôi cho rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc thực thi các nội dung quan trọng và trong vấn đề này chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với Việt Nam về những ưu tiên trong Chương trình nghị sự của Năm APEC 2017.
Việt Nam đã có quá trình phát triển kinh tế quá tuyệt vời với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 6-7%. Trong bối cảnh một số nền kinh tế hiện đang lâm vào tình trạng giảm phát, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh. Thành quả này có được là nhờ quản lý kinh tế hiệu quả, chính sách thúc đẩy ngoại thương, cũng như khả năng thu hút đầu tư. Mặt khác, phải kể đến cách Việt Nam hội nhập với thế giới và tôi cho rằng Việt Nam đã và đang rất thành công trong lĩnh vực này.
- Bà ấn tượng hoặc quan tâm nhất tới sáng kiến nào của Việt Nam cho Năm APEC 2017? Theo bà, để thực hiện thành công sáng kiến này, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC khác sẽ phải làm gì? Chile có thể chia sẻ kinh nghiệm và làm gì để hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi sáng kiến đó?
Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria: Như tôi đã nói ở trên, sáng kiến mà tôi ấn tượng nhất là ưu tiên của Việt Nam cho chương trình nghị sự APEC 2017 về bao trùm xã hội, kinh tế và tài chính. Bao trùm về xã hội, kinh tế và bao trùm tài chính rất quan trọng, bởi vì ở nhiều quốc gia, phụ nữ - nhân tố quan trọng của trao đổi thương mại - thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng và các mạng lưới thương mại. Vì thế, điều quan trọng là những điều tôi vừa đề cập được cụ thể hóa, trong việc quốc tế hóa các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hoặc trong nền thương mại điện tử, nhằm cho phép các doanh nghiệp này, trong đó nhiều doanh nghiệp do phụ nữ điều hành, được tiếp cận dễ dàng hơn với các mạng lưới thương mại quốc tế với chi phí thấp.
Chúng tôi vẫn đang làm việc về Tuyên bố chung sẽ được công bố sau Hội nghị Cấp cao APEC; về các sáng kiến cụ thể, cách thức để đạt được sự phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội rộng lớn hơn. Chúng tôi cũng thảo luận về tương lai của APEC và những biện pháp cần thúc đẩy để hoàn thành các mục tiêu mà APEC đã đặt ra. Tôi cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục theo đuổi một hiệp định thương mại tự do của tất cả các nền kinh tế thành viên. Đây là nhiệm vụ được đặt ra vào năm 2014 và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu này.
Ngày mai, chúng tôi sẽ thảo luận về nhiều sáng kiến khác nhau vì có những thành viên đang tiến xa hơn các thành viên còn lại trong một số lĩnh vực. Ý tưởng của Chile cho Hội nghị Cấp cao APEC 2019 ở Santiago là đặt ra chủ đề ưu tiên về “Phụ nữ và Kinh tế.” Tôi cho rằng chủ đề này là một chìa khóa.
Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chứng minh rằng kinh tế phát triển tốt hơn rất nhiều nếu có sự tham gia rộng rãi hơn của phụ nữ. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng GDP của một quốc gia có thể tăng trưởng tới 6-9% nếu phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế. Tôi cho rằng cần phải thực hiện các chính sách về bao trùm, chẳng hạn chính sách nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế, chính sách về quốc tế hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, về thuận lợi hóa tiếp cận tín dụng... Cần đấu tranh chống lại các hàng rào phi thuế quan, cần nhìn nhận ra đâu là những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt.
[Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Chile Michelle Bachelet]
Chile đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi thực hiện chính sách bao trùm không chỉ nhằm phát triển các tập đoàn lớn mà tất cả các công ty khác. Chúng tôi có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi cũng có một chương trình chuyên biệt về hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ tiếp cận với các cuộc đàm phán, các cuộc triển lãm quốc tế để họ có thể tự quảng bá.
Chúng tôi cũng mở các cuộc đàm phán kinh doanh với các đối tác trong APEC và Liên minh Thái Bình Dương nhằm tìm hiểu tiềm năng của mỗi nước và hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập các công cụ, nền tảng nhằm quảng bá các sản phẩm của mình. Chúng tôi cũng có một cơ quan nhà nước gọi là ProChile có trách nhiệm quảng bá sản phẩm của Chile và tổ chức các chuyến thăm trao đổi đoàn. Chúng tôi đã phát triển các trung tâm kinh doanh, trong đó cung cấp các hỗ trợ miễn phí. Chúng tôi cũng phát triển không gian hợp tác giữa các doanh nghiệp trẻ.
Chúng tôi đã nỗ lực trong suốt thời gian qua để đảm bảo rằng các ưu tiên do Việt Nam đề ra sẽ trở thành những ưu tiên được phản ánh trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo. Điều này rất quan trọng vì văn bản này là kim chỉ nam cho hoạt động của các nhóm kỹ thuật. Chile đang hỗ trợ rất tích cực cho Việt Nam trong vấn đề này, bên cạnh những công việc mà hai nước đang triển khai trong khuôn khổ hợp tác song phương. Hiện hai nước đang thực hiện trao đổi trong lĩnh vực sáng tạo, khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác ở cấp độ song phương.
- Bà có đánh giá gì về triển vọng hợp tác Việt Nam-Chile? Hai nước có thể làm gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương?
Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria: Tôi đề xuất hai bên cần có một chương trình hành động cụ thể. Hai nước đã có rất nhiều cơ chế hợp tác, ví dụ như Ủy ban tự do thương mại, cơ chế tham vấn chính trị... Năm tới, hai nước sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 5 Ủy ban thương mại tự do song phương và Tham vấn chính trị lần thứ 3 ở Chile.
Dù đã có một ủy ban chịu trách nhiệm về kiểm dịch thực vật, hai nước có thể thiết lập một cơ chế để xem xét đề nghị của Việt Nam về việc xuất khẩu rau quả sang Chile như xoài và các loại trái cây khác. Hai nước đã ký kết Hiệp định tự do thương mại vào năm 2011 và nhờ đó đã tăng xuất nhập khẩu gạo lên 80%. Hai nước cũng sẽ thành lập các nhóm kỹ thuật nhằm nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương.
Sau cuộc gặp ngày 9/11 với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tôi rất tin tưởng rằng Chile và Việt Nam sẽ tiếp tục chia sẻ mục tiêu đảm bảo an sinh cho nhân dân hai nước.
Đặc biệt, trong các cuộc gặp nói trên, hai bên thể hiện quyết tâm tiếp tục thúc đẩy hợp tác, như canh tác diêm mạch ở các vùng cao ở Việt Nam. Chile cũng muốn học hỏi kinh nghiệm canh tác lúa của Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực du lịch, nhất là khi quyết định miễn thị thực cho công dân hai nước có hiệu lực từ tháng Tám năm nay, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nhân hai nước có thể qua lại tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh. Việc miễn thị thực mở ra nhiều cơ hội hợp tác về du lịch.
[Tuyên bố chung Việt Nam-Chile: Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương]
Có thể nói, đối với người Chile, Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn, với vẻ đẹp thiên nhiên, con người, ẩm thực, kinh tế, văn hóa. Chúng tôi mong đợi rằng khách du lịch Việt Nam sẽ thích thú với điểm đến là Chile.
Hai nước cũng có những mối quan tâm chung khác. Chile ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018-2020. Hai bên đã trao đổi về những vấn đề quốc tế và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Hai nước duy trì mối quan hệ hợp tác nhiều mặt suốt hơn 40 năm qua từ khi nhà lãnh đạo Chile Salvador Allende có chuyến thăm Việt Nam và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài cuối cùng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người mất vào tháng Chín năm đó.
Sau đó, Salvador Allende được bầu làm Tổng thống và một trong những việc đầu tiên mà ông làm là công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chile đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới khi công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
- Thưa bà, những đề xuất chính mà Chile mang đến Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là gì? Các đề xuất này liệu có bổ sung hay liên hệ gì đến những sáng kiến của Việt Nam?
Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria: Như đã đề cập ở trên, tôi mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, xã hội. Bên cạnh đó, cần tạo các điều kiện thuận lợi cho vấn đề bình đẳng giới, để cho chủ đề này được đem ra thảo luận ở Hội nghị Cấp cao APEC. Mặt khác, chúng ta cũng cần xem xét việc tổ chức các hội nghị APEC trong tương lai. Sau khi hoàn thành Mục tiêu Bogor vào năm 2020, chúng ta sẽ xem xét khả năng duy trì như hiện nay hay sẽ bắt đầu đặt ra một giai đoạn mới với quy mô lớn hơn. Tôi tin rằng một trong những vấn đề quan trọng mà chúng ta cần thực hiện là thảo thuận về một hiệp định thương mại chung của Cộng đồng APEC.
Hai nước đang phối hợp trong các cuộc đàm phán hiệp định TPP sau khi Hoa Kỳ rút lui. Đó cũng là một trong những chủ đề sẽ được Chile, Việt Nam cũng như các nước thành viên TPP bàn thảo trong cuộc họp ngày hôm nay nhằm quyết định tương lai của TPP-11. Mục tiêu là nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại chung và đây cũng là nội dung mà hai nước cần phải tiếp tục phối hợp trong tương lai.
Tôi cho rằng Việt Nam và Chilê có cùng chung một hướng đi và một đường lối thực hiện những nội dung chính của APEC lẫn hướng đi trong tương lai. Tôi tin tưởng rằng cùng với nỗ lực và thiện chí của hai bên, chúng ta có thể thực hiện được những mong muốn đó.
- Trân trọng cảm ơn Tổng thống./.