Tổng thống Iraq Fuad Masum kêu gọi "không phớt lờ hiến pháp"

Trên website của mình, Tổng thống Iraq Fuad Masum kêu gọi "bảo vệ hiến pháp, không phớt lờ hiến pháp và không ngừng hoàn thiện hiến pháp."
Tổng thống Iraq Fuad Masum kêu gọi "không phớt lờ hiến pháp" ảnh 1Tổng thống Iraq Fuad Masum. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/8, Tổng thống Iraq Fuad Masum cho rằng hiến pháp của nước này nên được sửa đổi chứ không nên bị bỏ qua.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng nước này Haider al-Abadi có kế hoạch bãi chức phó tổng thống được hiến pháp quy định, một phần trong chương trình cải cách nhằm chống tham nhũng và hợp lý hóa bộ máy chính phủ.

Trên website của mình, Tổng thống Fuad Masum kêu gọi "bảo vệ hiến pháp, không phớt lờ hiến pháp và không ngừng hoàn thiện hiến pháp."

Ông Masum cho rằng các biện pháp cải cách phải được thực hiện tuân theo hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh về sự cần thiết để sửa đổi hiến pháp.

Ông khẳng định "tầm quan trọng của việc tôn trọng các nguyên tắc của hiến pháp được lấy làm cơ sở để tiến hành bất kỳ biện pháp cải cách nào."

Trong khi đó, Thủ tướng Abadi cho rằng chương trình cải cách này là hợp hiến và hợp pháp sau khi được nội các và quốc hội Iraq thông qua, đồng thời khẳng định ông sẽ không từ bỏ kế hoạch.

Trước đó, ngày 16/8, Thủ tướng Abadi đã công bố bãi bỏ 11 chức vụ trong nội các gồm 3 ​phó thủ tướng, cùng 3 bộ và một bộ trưởng không bộ, trong khi 4 bộ được sáp nhập vào các bộ khác.

Các bộ và chức vụ cấp bộ bị bãi bỏ gồm Bộ Nhân quyền, Quốc vụ khanh về các vấn đề phụ nữ và Quốc vụ khanh về các vấn đề quốc hội và các vấn đề tỉnh.

Từ ngày 9/8, Thủ tướng Abadi đã công bố chương trình cải cách, trong đó có bãi bỏ các chức vụ phó thủ tướng và phó tổng thống, nhằm nỗ lực nâng cao hiệu quả điều hành của chính phủ cũng như chất lượng dịch vụ công, sau khi hàng nghìn người tiến hành biểu tình ở khắp thủ đô Baghdad và một số thành phố miền Nam nhằm phản đối tình trạng tham nhũng cũng như dịch vụ công yếu kém.

Quốc hội Iraq đã thông qua chương trình cải cách này, tuy nhiên việc thực thi được dự báo sẽ là một tiến trình đầy thách thức về mặt chính trị lẫn pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục