Tổng thống Mali hối thúc quốc tế can thiệp khẩn cấp

Tổng thống Mali ngày 19/10 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp khẩn cấp để giải phóng miền Bắc nước này khỏi các nhóm vũ trang.
Tổng thống Mali Dioncounda Traoré ngày 19/10 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp khẩn cấp để giải phóng miền Bắc nước này khỏi tay các nhóm vũ trang.

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, Tổng thống Traoré đưa ra tại cuộc họp của Nhóm quốc tế theo dõi và tiếp xúc về cuộc khủng hoảng Mali khai mạc cùng ngày tại thủ đô Bamako để thống nhất quan điểm và hoàn chỉnh kế hoạch can thiệp quân sự của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Ông Traoré nhấn mạnh không nên chậm trễ vì đã đến lúc phải "chạy đua với thời gian" nhằm giành lại miền Bắc Mali. Nhân dịp này, Tổng thống Mali cam kết chính phủ của ông sẽ hợp tác hoàn toàn với các đối tác trong việc hoạch định kế hoạch tấn công quân sự.

Tại cuộc họp này, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson công bố quyết định mở văn phòng thường trực của tổ chức này ở Bamako để điều phối tốt hơn các hoạt động liên quan và cho biết chuyên gia quân sự của Liên hợp quốc sẽ đến Mali giúp về phương diện kỹ thuật để giành lại miền Bắc.

Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch cử một phái bộ quân sự đến Mali để huấn luyện quân đội nước này. Tuy nhiên, tại cuộc họp những người đứng đầu nhà nước và chính phủ EU cùng ngày tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Pháp François Hollande cho biết liên minh này vẫn chờ quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới xác định cụ thể tham gia như thế nào vào chiến dịch quân sự.

Còn Chủ tịch Ủy ban châu Phi, bà Dlamini-Zuma đã đưa ra cam kết cá nhân đối với Mali.

Những kêu gọi trên của Tổng thống Traoré được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua nghị quyết cho phép các nước Tây Phi và các tổ chức khu vực trong vòng 45 ngày đưa ra một kế hoạch quân sự "chi tiết và khả thi" nhằm hỗ trợ quân đội Mali giành lại vùng lãnh thổ phía Bắc đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.

Nghị quyết nêu rõ kế hoạch quân sự này phải là kết quả của các cuộc tham vấn mật thiết giữa Liên hợp quốc, ECOWAS, Liên minh châu Phi (AU) với Mali cũng như các nước láng giềng trong khu vực, các đối tác song phương có liên quan và các tổ chức quốc tế.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng Ba khi các binh sỹ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia).

Trước tình trạng bất ổn trong nước, Thủ tướng Mali Mobido Diarra cuối tháng Chín đã kêu gọi các nước phương Tây, đứng đầu là Pháp, gửi máy bay chiến đấu và lực lượng đặc nhiệm tới nước này.

Trước đó, Mali cũng đã gửi thư tới Liên hợp quốc chính thức đề nghị cho phép một lực lượng quân đội của ECOWAS đến giúp Chính phủ Mali giành lại lãnh thổ từ tay các phiến quân Hồi giáo, theo thỏa thuận giữa nước này và ECOWAS./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục