Tổng thống Mali Traore kêu gọi miền Bắc đối thoại

Ông Dioncounda Traore kêu gọi các nhóm Hồi giáo vũ trang đang chiếm đóng miền Bắc tiến hành thương lượng trên tinh thần xây dựng.
Ngày 21/9, Tổng thống Mali Dioncounda Traore đã kêu gọi các nhóm Hồi giáo vũ trang đang chiếm đóng miền Bắc nước này tiến hành thương lượng và đối thoại một cách chân thành trên tinh thần xây dựng.

Theo Tổng thống Traore, sự lựa chọn hàng đầu của ông là đối thoại. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.

Ông cho biết chính quyền Mali đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh để khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ nếu không còn sự lựa chọn nào khác.

Ông Traore cũng kêu gọi toàn dân đoàn kết với quân đội để giành lại miền Bắc, đồng thời kêu gọi quân đội cần được trang bị thêm và củng cố tinh thần.

Tổng thống Mali mô tả tình hình hiện nay là một "thảm kịch" và cảnh báo rằng sự sinh tồn của quốc gia đang lâm nguy.

Trong khi đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 21/9 một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thảm họa nhân đạo và tình trạng an ninh bất ổn tại các tỉnh miền Bắc Mali, đồng thời kêu gọi các phe nhóm vũ trang cắt đứt ngay mọi mối liên hệ với các tổ chức khủng bố, trong đó có chi nhánh al-Qaeda ở Bắc Phi.

Đại sứ Đức Peter Wittig, hiện đảm trách cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng Chín cho biết, thời gian gần đây, tại Mali xuất hiện thêm nhiều nhóm khủng bố câu kết với các tổ chức khủng bố ở bên ngoài để tiến hành hàng loạt vụ giết chóc, cướp bóc, vi phạm nhân quyền và thậm chí cướp chính quyền tại một số địa phương.

[Thủ tướng Mali kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp]


Ông kêu gọi chính quyền chuyển tiếp ở Mali tăng cường các biện pháp để sớm ổn định tình hình đất nước, thực thi hiến pháp, bảo vệ công dân và chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử trước khi thời kỳ chuyển tiếp kết thúc.

Tháng Ba vừa qua, Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi các binh sỹ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure.

Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc mênh mông ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra nhà nước Azawad và áp đặt luật Hồi giáo Sharia.

Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ đề xuất can thiệp quân sự vào Mali, song Hội đồng Bảo an cho rằng cần làm rõ thêm mục đích của chiến dịch quân sự cũng như cần phải được sự chấp thuận của chính quyền chuyển tiếp của Mali.

Chính phủ Mali cho đến nay vẫn không chấp thuận việc triển khai lực lượng ECOWAS tại thủ đô Bamaco, trong khi ECOWAS muốn đưa một số quân tối thiểu đến đây để bảo đảm hậu cần và an ninh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục