Ngày 23/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã có cuộc hội đàm bên lề kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, trao đổi về các vấn đề đang làm gia tăng căng thẳng ở Tây Thái Bình Dương.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tận dụng các hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC) trong năm 2011 để thúc đẩy tiến bộ về một loạt vấn đề kinh tế; phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh từ các chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Iran, cũng như để tái thiết đất nước Afghanistan bị chiến tranh tàn phá và giúp Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt.
Trước cuộc gặp, ông Obama đã bóng gió ủng hộ Nhật Bản, giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản xung quanh vụ va chạm tàu ở biển Hoa Đông chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt."
Ông chủ Nhà Trắng không công khai nhắc đến tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa Bắc Kinh và Tokyo, liên quan vụ Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc sau khi tàu này ngày 7/9 vừa qua va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku - Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, mà hai nước cùng tuyên bố có chủ quyền trên biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, ông Obama khẳng định liên minh Mỹ-Nhật Bản "là nhân tố quan trọng" đối với sự ổn định ở châu Á và an ninh của cả hai nước, là "nền tảng đảm bảo hòa bình và an ninh" trên thế giới.
Trong khi đó, các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã không giấu giếm thái độ bênh vực Nhật Bản. Phát biểu với báo giới ở Washington, Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Đô đốc Mike Mullen tỏ ý hy vọng các nỗ lực ngoại giao sẽ sớm xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản, nhưng khẳng định Mỹ ủng hộ đồng minh khu vực (Nhật Bản) "rất, rất mạnh mẽ."
Bình luận về vụ va chạm tàu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố Washington "sẽ thực hiện các trách nhiệm đồng minh," nhưng không nói cụ thể.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J Crowley cho biết trong một cuộc gặp ngày 23/9, người đứng đầu bộ này là bà Hillary Clinton đã lưu ý người đồng cấp Nhật Bản Seiji Maehara về vai trò quan trọng của Trung Quốc và Nhật Bản đối với sự thịnh vượng ở châu Á. Ông Crowley tiết lộ Mỹ và Nhật Bản không muốn căng thẳng này leo thang, ảnh hưởng xấu lâu dài đối với khu vực.
Chuyên gia về châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Jeffrey Bader cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản có quan hệ lịch sử với nhau; tình cảm dân tộc ở cả hai nước sẽ bị khích động nếu tranh cãi nói trên kéo dài. Đó là lý do Mỹ muốn hai bên bình tĩnh và kiềm chế để tìm cách giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ không làm trung gian giúp giải quyết tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Mỹ và Nhật Bản là những đồng minh thân cận. Mỹ có 47.000 binh lính đóng ở Nhật Bản. Quan hệ giữa hai nước mới đây đã trở nên căng thẳng do vấn đề liên quan tới việc tái bố trí căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa của Nhật Bản, sau khi cựu Thủ tướng nước này Yukio Hatoyama cam kết sẽ di chuyển căn cứ trên khỏi Okinawa. Tuy nhiên, cuối cùng, Chính phủ Nhật Bản đã thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề này (chấp nhận duy trì phần lớn căn cứ Mỹ ở lại Okinawa). Quyết định này đã gây bất bình trong dư luận Nhật Bản, buộc ông Hatoyama phải từ chức đầu tháng 6 vừa qua./.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tận dụng các hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC) trong năm 2011 để thúc đẩy tiến bộ về một loạt vấn đề kinh tế; phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh từ các chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Iran, cũng như để tái thiết đất nước Afghanistan bị chiến tranh tàn phá và giúp Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt.
Trước cuộc gặp, ông Obama đã bóng gió ủng hộ Nhật Bản, giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản xung quanh vụ va chạm tàu ở biển Hoa Đông chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt."
Ông chủ Nhà Trắng không công khai nhắc đến tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa Bắc Kinh và Tokyo, liên quan vụ Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc sau khi tàu này ngày 7/9 vừa qua va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku - Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, mà hai nước cùng tuyên bố có chủ quyền trên biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, ông Obama khẳng định liên minh Mỹ-Nhật Bản "là nhân tố quan trọng" đối với sự ổn định ở châu Á và an ninh của cả hai nước, là "nền tảng đảm bảo hòa bình và an ninh" trên thế giới.
Trong khi đó, các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã không giấu giếm thái độ bênh vực Nhật Bản. Phát biểu với báo giới ở Washington, Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Đô đốc Mike Mullen tỏ ý hy vọng các nỗ lực ngoại giao sẽ sớm xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản, nhưng khẳng định Mỹ ủng hộ đồng minh khu vực (Nhật Bản) "rất, rất mạnh mẽ."
Bình luận về vụ va chạm tàu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố Washington "sẽ thực hiện các trách nhiệm đồng minh," nhưng không nói cụ thể.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J Crowley cho biết trong một cuộc gặp ngày 23/9, người đứng đầu bộ này là bà Hillary Clinton đã lưu ý người đồng cấp Nhật Bản Seiji Maehara về vai trò quan trọng của Trung Quốc và Nhật Bản đối với sự thịnh vượng ở châu Á. Ông Crowley tiết lộ Mỹ và Nhật Bản không muốn căng thẳng này leo thang, ảnh hưởng xấu lâu dài đối với khu vực.
Chuyên gia về châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Jeffrey Bader cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản có quan hệ lịch sử với nhau; tình cảm dân tộc ở cả hai nước sẽ bị khích động nếu tranh cãi nói trên kéo dài. Đó là lý do Mỹ muốn hai bên bình tĩnh và kiềm chế để tìm cách giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ không làm trung gian giúp giải quyết tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Mỹ và Nhật Bản là những đồng minh thân cận. Mỹ có 47.000 binh lính đóng ở Nhật Bản. Quan hệ giữa hai nước mới đây đã trở nên căng thẳng do vấn đề liên quan tới việc tái bố trí căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa của Nhật Bản, sau khi cựu Thủ tướng nước này Yukio Hatoyama cam kết sẽ di chuyển căn cứ trên khỏi Okinawa. Tuy nhiên, cuối cùng, Chính phủ Nhật Bản đã thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề này (chấp nhận duy trì phần lớn căn cứ Mỹ ở lại Okinawa). Quyết định này đã gây bất bình trong dư luận Nhật Bản, buộc ông Hatoyama phải từ chức đầu tháng 6 vừa qua./.
(TTXVN/Vietnam+)