Tổng thống Mỹ Donald Trump có đang lạm dụng quá mức đòn trừng phạt?

Việc dùng đòn trừng phạt làm công cụ của chính sách đối ngoại đang được ông Trump và chính quyền của mình áp dụng khá triệt để xem ra có vẻ không khả thi và "lợi bất cập hại.''
Tổng thống Mỹ Donald Trump có đang lạm dụng quá mức đòn trừng phạt? ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Washington Post ngày 8/8 đăng bài phân tích về chính sách đối ngoại của Mỹ.

VietnamPlus xin giới thiệu nội dung bài phân tích:

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và hiện nay là chính sách thuế quan nhằm bắt các nước khác phải làm theo ý muốn của ông.

Chính quyền Mỹ cho rằng những biện pháp trừng phạt khắt khe mang Triều Tiên đến bàn đàm phán cũng như việc khôi phục lại các biện pháp trừng phạt Iran sẽ buộc nước này phải mặc cả với Mỹ và xây dựng một thỏa thuận hạt nhân mới....


Dùng đòn trừng phạt làm công cụ của chính sách đối ngoại

Nhưng cơ sở để những biện pháp trừng phạt này có tác dụng như là công cụ chính sách đối ngoại là không thuyết phục.

Có một số mối lo ngại rằng Chính quyền Tổng thống Trump đang lạm dụng quá mức các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi phớt lờ các khía cạnh khác của chính sách đối ngoại như đàm phán hay phối hợp với đồng minh.

Trong bài báo gần đây, phóng viên Carol Morello của tờ Washington Post chỉ ra việc Chính quyền Trump sử dụng thường xuyên các biện pháp trừng phạt như thế nào.

[Mỹ tái cấm vận có thay đổi được hành vi của Iran?]

Carol Morello đã chỉ ra rằng, trong vòng một tháng, vào tháng 2/2018, Mỹ đã áp dụng các các biện pháp trừng phạt không chỉ đối với Triều Tiên mà còn với các cá nhân và tổ chức ở Colombia, Libya, Pakistan, Somalia, Philippines, Liban...

Carol cũng đưa những phân tích rằng việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt không phải là một ý tưởng mới mà đã có từ hàng trăm năm trước. Và từ các nghiên cứu học thuật cho thấy các biện pháp này không mang lại hiệu quả như dự định.

Một nghiên cứu nhằm vào 200 biện pháp trừng phạt từ năm 1914 đến năm 2008 và phát hiện ra rằng chỉ có 13 biện pháp trừng phạt rõ ràng là công cụ để đạt được mục đích của người sử dụng.

Vấn đề không hẳn là chúng không thể gây ra sự tàn phá về mặt tài chính cho kẻ địch, đặc biệt là với sức ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Vấn đề là sự tổn thất này thường có đóng góp gì đối với chính sách đối ngoại. Đây là bài toán đặc biệt hóc búa đối với Chính quyền Trump vốn thường sử dụng các biện pháp trừng phạt thay thế cho chính sách đối ngoại.

Xem xét vấn đề Triều Tiên để đánh giá sự thành công của các chế độ trừng phạt. Sau khi Triều Tiên phát triển nhanh chóng chương trình hạt nhân vào năm 2017, Mỹ đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt đơn phương và đa phương (thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) nghiêm khắc nhất đối với Triều Tiên.

Những biện pháp này gây tổn thất: Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính rằng nền kinh tế Triều Tiên đã chịu sự sụt giảm nghiêm trọng nhất trong hai thập kỷ vào năm 2017.

Vì vậy, các biện pháp trừng phạt có vẻ như ít nhất cũng đóng vai trò hỗ trợ trong việc tiết chế hành vi của Triều Tiên và giúp mở đường cho hội nghị giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 12/6 vừa qua. Nhưng bản thân hội nghị đó không phải là mục tiêu.

Từ góc độ của Mỹ, mục tiêu là buộc Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa và ở khía cạnh đó thì các biện pháp trừng phạt không có tác dụng lắm.

[Nga chỉ trích chính sách trừng phạt của Mỹ là "bất hợp pháp"]

Chỉ hai tháng sau hội nghị, các nhà ngoại giao Triều Tiên đang đấu khẩu với những người đồng cấp Mỹ.

Thậm chí, giới quan chức và chuyên gia Mỹ có sự chấp nhận ngày càng tăng rằng phi hạt nhân hóa có thể không xảy ra.

Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên, nói: "Các quan chức thừa nhận họ hiểu phi hạt nhân hóa không còn là một mục tiêu thực tế."

Có vẻ như Tổng thống Trump đang dùng các biện pháp đối phó với Triều Tiên để áp dụng vào Iran. Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran 2015 và chính thức bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Tuần trước, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani "bất cứ lúc nào" mà không có điều kiện tiên quyết. Đối với nhiều người, đây là sự lặp lại của chiến thuật hoài nghi - đe dọa, trừng phạt, sau đó là một cuộc gặp.

Điều này khó mang lại những kết quả có ý nghĩa. Bên cạnh đó, Iran là quốc gia có xã hội dân sự phức tạp và chia rẽ, sẽ khó có thể tuân theo sự lãnh đạo nào được.

Phóng viên Ishaan Tharoor của tờ Washington Post cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể không làm suy yếu mà càng làm mạnh thêm những kẻ cứng đầu ở Iran...

Lợi bất cập hại

Tình hình thế giới cũng khác nhiều. Các đồng minh châu Âu lớn của Mỹ đều phản đối quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Trump; một số còn cho rằng họ có thể sẽ cố làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ thông qua việc chỉ đạo các ngân hàng nhà nước và các công ty năng lượng tiếp tục làm ăn với Iran.

Sau đó là Trung Quốc, một nước rõ ràng có đóng góp đối với thành công của những biện pháp trừng phạt Triều Tiên, nhưng hiện giờ đang tham gia vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt này có thể mang tới những tác động nhỏ nhưng tệ hại đối với nước Mỹ.

Sự lo lắng gia tăng ở Triều Tiên về các biện pháp trừng phạt sẽ ngăn cản quan hệ kinh tế hữu nghị giữa Hàn Quốc với Triều Tiên và cuối cùng dễ dẫn đến có lợi cho Trung Quốc và Nga.

Một lý do khác khiến Mỹ có thể triển khai các biện pháp trừng phạt hiệu quả là bởi sức mạnh bá chủ của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong thời gian dài, điều này có thể thay đổi khi các nước khác ngày càng lớn mạnh và càng vỡ mộng về vai trò của Mỹ.

Hiện giờ, có vẻ như giấc mộng của Tổng thống Trump về các biện pháp trừng phạt mang lại hòa bình khó trở thành hiện thực sớm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục