Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gì để tránh được "bẫy" của Iran?

Trong khi hai bên vẫn đang "lời qua tiếng lại" thì trên thực tế, Iran nắm trong tay một “binh pháp” để đối phó với những vị tổng thống Mỹ khó đoán định và hay hăm dọa: bẫy họ trong ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gì để tránh được "bẫy" của Iran? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng nypost.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã đề nghị gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, nhằm thảo luận những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Bề ngoài, có vẻ như nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei đã bác bỏ đề nghị này khi tuyên bố "sẽ không có chiến tranh, và chúng tôi cũng sẽ không đàm phán với Mỹ."

Thế nhưng, đúng như phong cách điển hình của ông, Khamenei lại để ngỏ cánh cửa đối thoại khi nói: "Nước Cộng hòa Hồi giáo có thể đàm phán với Mỹ bất cứ khi nào Iran có đủ sức mạnh để chống lại sức ép cũng như những lời đe dọa của Mỹ. Tuy nhiên, bây giờ không phải là lúc."

Tất cả những "lời qua tiếng lại này" chẳng qua là nhằm che đậy một kết quả hoàn toàn có thể dự đoán, căn cứ vào lịch sử tương tác Mỹ-Iran: hai bên vẫn chưa thể tiến tới cái mà các giáo sỹ Hồi giáo hy vọng - đó là các cuộc đàm phán kéo dài và không có hồi kết.


[Mỹ tái cấm vận có "thay đổi được hành vi" của Iran?]

Không sai khi chỉ trích chính sách của Trump đối với Iran, song có một thực tế cần phải nhìn nhận là chính Tổng thống Iran Rouhani mới là người làm xáo trộn "giới đầu sỏ" chính trị, làm trầm trọng cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị trong chế độ thần quyền Iran và làm kích động một cuộc tranh luận gay gắt ở Tehran về cách thức tiếp cận Washington.

Nước Cộng hòa Hồi giáo này có một chế độ độc tài, và cả đất nước đang bị nhấn chìm trong tham nhũng. Các cuộc biểu tình đang diễn ra hằng ngày bởi chế độ không thể tự thay đổi chính mình và cũng không thể đưa ra một viễn cảnh tươi đẹp cho tương lai đất nước.

Thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 đưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính là thành tựu lớn nhất mà Tổng thống Rouhani đạt được, bởi thỏa thuận này đã giúp duy trì các yếu tố cần thiết trong hệ thống cơ sở hạ tầng nguyên tử của Iran, trong khi vẫn cứu vãn nền kinh tế nước này khỏi sự sụp đổ ngay trước mắt.

Tuy nhiên, Trump đã hủy hoại chiếc “phao cứu đắm” này của Iran.

Trên thực tế, Iran nắm trong tay một “binh pháp” để đối phó với những vị tổng thống Mỹ khó đoán định và hay hăm dọa: bẫy họ trong ngoại giao.

Cụ thể, năm 2002, khi cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush tới Trung Đông “tìm rồng để giết”, Iran đã nhanh chóng đình chỉ chương trình hạt nhân của mình và tham gia đàm phán với châu Âu.

Khi "cơn bão" tan và Mỹ bắt đầu sa lầy trong cuộc nội chiến Iraq, Tehran đã nhanh chóng nối lại các hoạt động hạt nhân của mình. Iran hiểu rằng chỉ cần ngồi vào bàn đàm phán, Mỹ sẽ đưa ra nhượng bộ.

Không vị tổng thống Mỹ nào chứng minh cho điều này rõ ràng bằng Obama. Chính quyền của ông đã đưa ra nhiều nhượng bộ, và đỉnh điểm của những nhượng bộ đó chính là thỏa thuận hạt nhân Iran với các “điều khoản hoàng hôn” - tức là sẽ hết hiệu lực sau một số năm - mở đường cho Tehran tiến gần đến vũ khí nguyên tử.

Nghịch lý là, Iran cho rằng chính quyền Trump có thể sẽ suy yếu theo thời gian vì phải để tâm đến vấn đề chính trị trong nước. Cách tốt nhất chính là để Mỹ rối bời trong lĩnh vực ngoại giao, đồng thời chờ đợi việc đảng Cộng hòa thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ và sự cầm quyền trở lại của một tổng thống đảng Dân chủ linh hoạt hơn vào năm 2021.

Đây là điều lãnh tụ tối cao Khamenei ám chỉ khi ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán giữa Iran với Mỹ sẽ phải chờ tới khi Mỹ ôn hòa hơn.

Ngoại giao chắc chắn sẽ làm suy giảm những tác động từ sức ép của Mỹ. Iran tin rằng họ có thể làm suy yếu các biện pháp trừng phạt bằng cách “ve vãn” thông qua ngoại giao và hiểu rõ rằng Mỹ sẽ không phá vỡ các cuộc đàm phán bằng hành động quân sự.

Như một khúc dạo đầu cho các cuộc đàm phán, Iran thậm chí có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động hạt nhân của họ để khiến châu Âu hoảng sợ và đạt được đòn bẩy bằng cách gây thêm áp lực buộc Mỹ phải điều chỉnh “lằn ranh đỏ” của mình.

Nếu các cuộc đàm phán bắt đầu, chính quyền Trump nên có những biện pháp phòng ngừa hợp lý để tránh lâm vào tình thế khó xử mà các nhà đàm phán của Obama đã gặp phải. Chính quyền Trump sẽ cần phải duy trì chiến dịch gây áp lực tối đa và những điều kiện đàm phán của mình.

Tháng 5/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố kế hoạch gồm 12 điểm cho một thỏa thuận có thể chấp nhận được, thứ sẽ giúp khôi phục mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Iran và những cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy đầu tư lớn vào nền kinh tế Iran. Đổi lại, Mỹ yêu cầu Iran phải từ bỏ việc hậu thuẫn khủng bố và năng lực sản xuất nguyên liệu phân hạch dùng cho việc chế tạo bom nguyên tử.

Bất kỳ cuộc đàm phán nào với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đều cần phải giới hạn thời gian và Washington phải chuẩn bị cả phương án rời khỏi bàn đàm phán nếu Iran tiếp tục sử dụng thói khoa trương và xuyên tạc của mình.

Trump nên yêu cầu đàm phán trực tiếp với lãnh tụ tối cao Khamenei, như những gì ông đã làm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bởi lẽ Rouhani là một “tổng thống vịt què,” không có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào.

Chính quyền Mỹ cũng nên yêu cầu châu Âu cùng Mỹ tham gia trừng phạt Iran vì chương trình tên lửa đạn đạo, hỗ trợ khủng bố và lạm dụng nhân quyền của nước này như một cái giá cho việc Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán.

Nhiệm vụ của Trump là rút kinh nghiệm từ những bài học của người tiền nhiệm và đưa ra một cách giải quyết với Iran mà Obama vốn dĩ không thể làm được.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục