Tổng thống Mỹ tới châu Phi bàn phương án trừng phạt Nam Sudan

Tổng thống Barack Obama đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo châu Phi để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan, đất nước mà Mỹ bảo trợ tách khỏi Sudan vào năm 2011.
Tổng thống Mỹ tới châu Phi bàn phương án trừng phạt Nam Sudan ảnh 1Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tại cuộc tuần hành chính trị ở thủ đô Juba ngày 18/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/7, tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo châu Phi để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan.

Cuộc gặp diễn ra bên lề chuyến công du các nước Đông Phi của nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo một quan chức Mỹ, Tổng thống Obama và lãnh đạo các nước láng giềng của Nam Sudan gồm Kenya, Ethiopia, Uganda, Sudan cùng Liên minh châu Phi (AU) đã thảo luận về các phương án, bao gồm việc áp đặt trừng phạt và "sử dụng lực lượng can thiệp khu vực" nếu các bên xung đột ở Nam Sudan không đi đến một thỏa thuận hòa bình trước ngày 17/8.

Lãnh đạo Mỹ và châu Phi đã nhất trí rằng tình hình Nam Sudan đang rất nguy cấp, song chưa nhất trí về phương án hành động trong trường hợp các bên xung đột ở nước này không đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Giới chức Mỹ cho biết Washington đang xem xét áp đặt thêm lệnh trừng phạt kinh tế hoặc cấm vận vũ khí nhằm gây sức ép đối với các bên xung đột tại Nam Sudan.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt trừng phạt đối với tướng lĩnh chỉ huy của cả hai phe tại Nam Sudan và có thể gia tăng thêm các lệnh trừng phạt với sự hỗ trợ từ các nước đối tác trong khu vực.

Mỹ, Anh và Na Uy nằm trong số những nước phương Tây bảo trợ chính cho Nam Sudan khi nước này tách khỏi Sudan năm 2011.

Nam Sudan rơi vào vòng xoáy bạo lực từ tháng 12/2013 khi Tổng thống đương nhiệm Salva Kiir cáo buộc Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính.

Đụng độ giữa quân đội trung thành với Tổng thống Kiir và lực lượng ủng hộ ông Machar đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng và lôi kéo khoảng 20 nhóm vũ trang vào cuộc.

Ít nhất sáu thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn đã được ký kết giữa các bên sau tám cuộc đàm phán do Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) tổ chức, tuy nhiên các thỏa thuận này liên tục bị phá vỡ.

Theo thống kê, cuộc khủng hoảng đã khiến hơn 2,2 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, hơn 7 triệu người đứng trước nguy cơ bị nghèo đói và dịch bệnh hành hạ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục