Tổng thống Nga trả lời 70 câu hỏi trong 4 giờ giao lưu với dân

Tổng thống Putin trả lời gần 70 câu hỏi về bức tranh phát triển kinh tế-xã hội ở Nga và các vấn đề quốc tế trong 4 giờ giao lưu trực tuyến với người dân.
Tổng thống Nga trả lời 70 câu hỏi trong 4 giờ giao lưu với dân ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

Một bức tranh phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, cũng như quan điểm về các vấn đề quốc tế nổi bật đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời đầy đủ và sâu sắc qua gần 70 câu hỏi trong suốt 3 giờ 56 phút trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân Nga, diễn ra ngày 15/6 tại Moskva.

Khẳng định được chú ý nhất của Tổng thống Putin là về lĩnh vực kinh tế. Dẫn ra các con số thống kê của 3 quý gần đây, Tổng thống Nga khẳng định nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn suy thoái và bước sang thời kỳ tăng trưởng với nhiều tín hiệu tích cực, trong khi lạm phát ở mức thấp kỷ lục 4,1%.

Kinh tế Nga đã đạt tăng trưởng trong 3 quý liên tiếp và trong vòng 4 tháng đầu năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đạt mức tăng trưởng 0,7%.

Bên cạnh tác động tiêu cực, các biện pháp trừng phạt của phương Tây lại tạo ra động lực để nền kinh tế Nga phát huy tối đa nội lực, hàng hóa sản xuất trong nước có cơ hội nâng cao chất lượng thay thế hàng nhập khẩu. Nền kinh tế đã đạt những thành công trong đa dạng hóa các lĩnh vực then chốt, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, tìm kiếm các thị trường mới, cho hàng hóa trong nước.

Dễ hiểu là các vấn đề xã hội được đề cập đến trong rất nhiều câu hỏi với lãnh đạo đất nước. Tiến trình thực hiện các chương trình nhà ở, trợ cấp sinh con, giao đất canh tác, bảo vệ môi trường, chuẩn bị hạ tầng cho các sự kiện thể thao lớn, tuổi về hưu, v.v. được người đứng đầu nước Nga giải đáp chi tiết và cụ thể.

[Tổng thống Nga Putin trả lời trực tuyến người dân lần thứ 15]

Tuy nhiên, câu hỏi được kỳ vọng về khả năng ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 đã không được đặt ra trực tiếp, nhà lãnh đạo Nga chỉ nhấn mạnh rằng chỉ có cử tri và nhân dân mới có quyền lựa chọn người lãnh đạo tỉnh, thành phố và đất nước của mình, trong đó, “người kế nhiệm” ông sẽ phải giải quyết vấn đề tăng thu nhập, xóa nghèo và nhà ở xuống cấp, phát triển kinh tế, và phải thực hiện chương trình chuyển sang tầm cao công nghệ mới.

Về quan hệ đối ngoại, theo Tổng thống Putin, mối quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng đã có lời giải khi tình trạng bài Nga ngày càng gia tăng do hậu quả nền chính trị nội bộ Mỹ diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, lãnh đạo Nga khẳng định Moskva không coi Mỹ là kẻ thù và luôn coi trọng việc bình thường hóa quan hệ với Washington.

Tổng thống Nga cũng giữ thái độ điềm đạm khi nói về nước láng giềng Ukraine bất chấp phát ngôn “đoạn tuyệt” với Nga của Tổng thống nước này.

Ông Putin chúc chính quyền Kiev thành công tại châu Âu song khuyên nên thận trọng trên con đường đã chọn.

Ngoài ra, Tổng thống Nga hy vọng Washington có thể đóng "vai trò tích cực" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Putin bác bỏ mọi cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cho rằng Moskva đã bày tỏ quan điểm công khai và không tham gia bất kỳ hành động ngầm nào.

Đề cập tới kế hoạch trong trung hạn của Nga tại Syria, Tổng thống Nga cho biết nước này lên kế hoạch tăng cường khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang Syria, theo đó cho phép tái bố trí binh lính Nga tới các căn cứ hiện tại của Nga và giảm sự hiện diện quân sự tại Syria. Tuy nhiên, không quân Nga sẽ vẫn hỗ trợ lực lượng Syria ở nơi nào cần thiết.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi đặt mục tiêu thiết lập một tiến trình giải pháp chính trị (tại Syria) giữa tất cả các bên liên quan."

Xuyên suốt chương trình, Tổng thống Nga thể hiện phong thái tự tin và khả năng nắm rất vững thông tin trong mọi lĩnh vực. Theo người phát ngôn của tổng thống, ông Dmitry Peskov, đích thân ông Putin đã tập trung chuẩn bị cho cuộc giao lưu trực tuyến này. Giao lưu với người dân là cơ hội để người đứng đầu đất nước “cập nhật thông tin” bổ sung các số liệu thống kê.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Quỹ Công luận (Nga) tiến hành, 57% số người được hỏi cho rằng hình thức giao lưu trực tuyến với người dân có tác động đến tình hình trong nước, 32% cho rằng qua chương trình này “giải quyết các vấn đề cụ thể, hỗ trợ đúng địa chỉ, đời sống thay đổi theo hướng tích cực”, 8% cho rằng “Tổng thống được biết đến các vấn đề của người dân”, 6% cho rằng “chính quyền địa phương bắt đầu làm việc tốt hơn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục