Tổng thống Pháp bị la ó tại Hội chợ-triển lãm nông nghiệp

Hội chợ-triển lãm quốc tế nông nghiệp lần thứ 53 của Pháp đã mở cửa đón khách tham quan ngày 27/2 tại trung tâm triển lãm Versailles, Paris.
Tổng thống Pháp bị la ó tại Hội chợ-triển lãm nông nghiệp ảnh 1Quang cảnh tại gian giới thiệu các ngành chăn nuôi như bò, lợn, cừu, dê... tại hội chợ-triển lãm. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, hội chợ-triển lãm quốc tế nông nghiệp lần thứ 53 của Pháp đã mở cửa đón khách tham quan ngày 27/2 tại trung tâm triển lãm Versailles, Paris.

Được khai trương vào thời điểm nền nông nghiệp Pháp đang gặp nhiều khó khăn do giá nông sản và thực phẩm giảm mạnh khiến nhiều nông dân đứng trước nguy cơ phá sản, mặc dù vậy, sự kiện được tổ chức hàng năm trong hơn nửa thế kỷ qua tại Pháp tiếp tục thu hút các hiệp hội trồng trọt và chăn nuôi, các chủ trang trại, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đến từ Pháp và 21 nước trên thế giới.

Trong 9 ngày mở cửa, hội chợ-triển lãm sẽ đón tiếp khoảng 700.000 khách tham quan.

Tổng thống Pháp François Hollande đã có mặt từ sáng sớm ngày 27/2 tại hội chợ. Ngay lập tức, ông đã được chào đón bằng những tiếng la ó và huýt sáo.

Những người nông dân bất bình về việc giá nông sản lao dốc, đặc biệt là giá sữa, giá các loại thịt bò và thịt lợn đã nhân chuyến thăm của Tổng thống tới hội chợ, bày tỏ sự giận dữ và thất vọng trước những quyết định của Chính phủ mà họ cho là chưa thỏa đáng.

Theo đại diện của các hiệp hội nông dân, nông nghiệp vốn là lĩnh vực làm nên niềm tự hào nước Pháp, cung cấp cho người tiêu dùng Pháp những sản phẩm an toàn và chất lượng, vì vậy thật phi lý khi cuộc sống của người nông dân ngày càng khó khăn mặc dù họ lao động vất vả.

Phát biểu nhân dịp này, Tổng thống Hollande cho rằng việc các nông dân-chủ trang trại tham gia hội chợ trong bối cảnh khủng hoảng là một hành động yêu nước.

Ông cũng nhắc lại những biện pháp mà Chính phủ đã triển khai để hỗ trợ người nông dân đang gặp khó khăn và một lần nữa yêu cầu các tập đoàn phân phối, các nhà chế biến nâng giá thu mua sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt trong một nỗ lực thể hiện tình đoàn kết quốc gia để người nông dân được trả thù lao cho chi phí lao động của mình.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Peter Thissen, nông dân vùng Aquitaine (Tây-Nam nước Pháp) cho biết nhìn chung nông dân vẫn luôn tự hào và gắn bó với nghề, song Chính phủ Pháp phải có thêm nhiều hành động thiết thực hơn nữa để nông dân có thể đảm bảo cuộc sống. Nếu nông dân không còn mặn mà với nghề do cha ông họ để lại, buộc phải bán lại các trang trại, nước Pháp phải nhập các sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng sẽ không có các sản phẩm có chất lượng như hiện nay.

Ông cũng tố cáo việc Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ các quy định về đảm bảo giá và thay thế chúng bằng hỗ trợ thu nhập. Chính các chính sách này đã khiến người nông dân chịu sự cạnh tranh gay gắt, trở nên dễ bị tổn thương và lâm vào tình cảnh khốn khó hiện nay.

Mặc dù đã diễn ra một số căng thẳng ban đầu trong thời gian Tổng thống Hollande có mặt tại đây, nhưng hội chợ-triển lãm vẫn là ngày hội của nông dân trên toàn nước Pháp. Họ tự hào khi giới thiệu thành quả lao động của mình với một nền nông nghiệp hiện đại, hướng tới phát triển bền vững.

Họ đã mang về đây gần 4.000 vật nuôi gồm bò, lợn, dê, cừu… Khách tham quan lớn tuổi được mời tham gia nhiều cuộc thi tìm hiểu đặc sản và được nếm các món ăn mang đậm bản sắc, hương vị đặc trưng các vùng miền như xúc xích, phó mát, patê gan ngỗng, mứt…, còn trẻ em thì háo hức khám phá các loài gia súc và gia cầm trong "trang trại khổng lồ" đặt tại Trung tâm triển lãm Versailles.

Kể từ năm 2000, con bò trở thành linh vật của hội chợ-triển lãm nông nghiệp hàng năm. Năm nay, "cô bò" Cerise, 8 năm tuổi, cao 1,5m, nặng khoảng 750 kg, thuộc giống Bazadaise, sẽ được tôn vinh vì có khả năng thích ứng tốt trong điều kiện khắc nghiệt tại vùng đất pha cát tại vùng Aquitaine.

Trong khuôn khổ triển lãm đã diễn ra nhiều cuộc hội thảo, các buổi nói chuyện giữa các doanh nghiệp, người sản xuất và công chúng nhằm giới thiệu các công nghệ mới, trao đổi kinh nghiệm trong việc tiếp cận khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục