Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại Mali ngày 2/2 khi ông cam kết rằng các binh sĩ Pháp sẽ ở lại Mali chừng nào vẫn còn cần thiết để tiếp tục đấu tranh chống phiến quân Hồi giáo tại miền Bắc nước này.
Trong khi đó, chính quyền Mali đang phải đứng trước một nhiệm vụ khó khăn là tái thiết nền kinh tế ở miền Bắc, vốn đã bị phá hoại sau khi bị phiến quân chiếm đóng, đặc biệt là thành phố lớn Timbuktu.
Phát biểu tại thủ đô Bamako, trước một công trình tưởng niệm Ngày Mali độc lập, Tổng thống Hollande tuyên bố: "Đã đến lúc người châu Phi phải đi đầu, nhưng Pháp sẽ không bỏ rơi họ."
Theo ông, chủ nghĩa khủng bố tại Mali đã bị đẩy lùi song chưa bị đánh bại. Trong bài phát biểu, ông Hollande cũng đề nghị tất cả binh sĩ tại Mali thể hiện cách ứng xử "mẫu mực" và tôn trọng nhân quyền.
Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traore cảm ơn các binh sĩ Pháp đã giúp đỡ hiệu quả, cho phép miền Bắc được giải phóng khỏi "chủ nghĩa man rợ." Ông Traore cũng cam kết thực hiện tiến trình hòa giải dân tộc và nhắc lại mong muốn tổ chức bầu cử vào ngày 31/7.
Tại thành phố Timbuktu, hàng nghìn người đã tụ tập ở quảng trường trung tâm và nhảy múa để chào đón Tổng thống Pháp. Hai tổng thống đã cùng đi thăm Thánh đường Hồi giáo 700 năm tuổi Djingareyber, Thư viện Ahmed Baba và các hầm mộ của hai vị thánh, bị các phần tử cực đoan đập phá trong cuộc nổi dậy hồi tháng 7/2012. Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), bà Irina Bokova cho biết UNESCO sẽ cho xây lại các hầm mộ này.
Binh sĩ Pháp bắt đầu cuộc can thiệp tại Mali 3 tuần trước nhằm chặn bước tiến của lực lượng nổi dậy về thủ đô Bamako. Cho đến nay, lực lượng Pháp cùng lực lượng Chính phủ Mali đã giành lại được phần lớn lãnh thổ từ tay các phe nổi dậy.
Pháp dự định chuyển giao hoạt động quân sự của mình cho lực lượng châu Phi gồm 8,000 binh sĩ đang được triển khai tại Mali. Trong khi đó, Liên hợp quốc đang tính tới việc chuyển hoạt động này thành một chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali.
Đến nay, sau khi được giải phóng khỏi các phần tử Hồi giáo cực đoan chiếm đóng 10 tháng qua, thành phố Timbuktu lại phải đối mặt với cảnh thiếu điện, thiếu nước, thông tin liên lạc bị cắt. Vì thế, nhiệm vụ tái thiết kinh tế được đặt lên hàng đầu. Toàn bộ hệ thống điện, nước và mạng lưới viễn thông của thành phố, kể cả mạng lưới tàu phà trên sông Niger, đã bị phiến quân phá hỏng trước khi bỏ đi.
Các ngân hàng đã cạn sạch tiền sau khi phiến quân đột nhập và phá hoại. Bên cạnh đó, việc hơn 350.000 người bỏ nhà ra đi nhằm tránh bạo lực là một cú giáng nữa vào nền kinh tế của thành phố này, nơi người Tuareg, chiếm một nửa cư dân thành phố, và người Arập đóng một vai trò quan trọng. Các bệnh viện ở địa phương cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi 10 trong số 21 trung tâm y tế đã mất toàn bộ nhân viên.
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Mali đã bị tác động mạnh vì khủng hoảng chính trị. WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng xuống còn 1,5% năm 2012, trong khi tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm của nước này đạt 5,7% từ năm 2000-2010. WB cũng nhấn mạnh rằng các tác động ở miền Bắc Mali là đặc biệt nghiêm trọng./.