Tổng thống Pháp muốn cải cách hệ thống hưu trí

Ông Nicolas Sarkozy đã yêu cầu các nghị sĩ thuộc đảng Liên minh vì phong trào nhân dân ủng hộ dự luật cải cách hệ thống hưu trí.
Ngày 7/9, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã yêu cầu các nghị sĩ thuộc đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của ông kiên quyết lập trường thúc đẩy kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí.

Lời kêu gọi của Tổng thống được đưa ra cùng ngày, khi Quốc hội Pháp bắt đầu tiến trình xem xét để thông qua dự luật cải cách hệ thống hưu trí và trong bối cảnh làn sóng bãi công biểu tình mới của người lao động phản đối dự luật đang diễn ra rầm rộ trên cả nước.

Cải cách chế độ hưu trí là một trong những ưu tiên cải cách mà Chính phủ Pháp đã chính thức công bố, theo đó, từ nay đến năm 2018, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp sẽ được nâng lên 62 tuổi so với quy định hiện hành là 60 tuổi.

Chính phủ Pháp coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia ngày càng tăng đang đe dọa nền kinh tế.

Trong vòng hai năm qua, thâm hụt trong ngân sách hưu trí của Pháp đã tăng gấp 3 lần, lên tới 32 tỉ euro năm nay và có nguy cơ lên tới 45 tỉ euro vào năm 2020 nếu không có các biện pháp mới để giải quyết tình trạng này. Ngày 13/7, Hội đồng bộ trưởng Pháp đã thông qua dự luật. Để chính thức có hiệu lực, dự luật này còn cần được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, dư luận người lao động ở Pháp không ủng hộ dự luật, bởi lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người lao động, vốn hiện rất khó khăn. Từ mấy tháng qua, các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp liên tiếp phát động các đợt đấu tranh phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ.

Cuộc bãi công và biểu tình trong hai ngày 6/9 và 7/9 là làn sóng biểu lớn thứ ba kể từ giữa tháng Tư năm nay, khi kế hoạch cải cách được Bộ trưởng Lao động Pháp Eric Woerth thông báo trong cuộc họp với các nghiệp đoàn và đại diện giới chủ.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, có khoảng 1,12 triệu người đã tham gia bãi công và các cuộc tuần hành tại các thành phố và thị trấn ở Pháp trong ngày 7/9. Tuy nhiên, theo các tổ chức công đoàn, số người tham gia Ngày hành động 7/9 lên tới 2,5 triệu người.

Bãi công và biểu tình đã làm tê liệt hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường không, ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không tại các sân bay lớn ở Pháp trong ngày 7/9. Nhiều trường học hoặc lớp học đã đóng cửa trong ngày do giáo viên tham gia bãi công, biểu tình.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2 tối 7/9, Chủ tịch CFDT, tổ chức công đoàn lớn thứ hai ở Pháp, François Chérèque cho biết đây là làn sóng biểu tình bãi công lớn nhất ở Pháp kể từ mấy năm gần đây và cảnh báo làn sóng đấu tranh sẽ tiếp tục nếu chính phủ không có các bước nhân nhượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục